Ở Palestine, người ngoan đạo giữ ba giờ cầu nguyện mỗi ngày, lúc chính giờ sáng, mười hai giờ trưa và ba giờ chiều. Lời cầu nguyện được kể là linh nghiệm đặc biết nếu cầu nguyện trong Đền Thờ, và vì thế vào những giờ đó nhiều người đến Đền Thờ để cầu nguyện. Chúa Giêsu nói về hai người lên Đền Thờ để cầu nguyện.
Ông đứng giữa Đền Thờ nói với Thiên Chúa, nhưng thực ra không phải là lời cầu nguyện thật. Ông bắt đầu bằng “tôi tạ ơn Chúa”, nhưng thực ra ông không nói với Chúa mà là nói với chính mình. Lời cầu nguyện đích thực bao giờ cũng phải được dâng lên cho Chúa và chỉ một mình Chúa mà thôi. Ông đang trình bày chính mình như một bằng chứng trước mặt Thiên Chúa. Ông vui mừng vì so sánh với kẻ khác thì ông thuộc một giai cấp riêng, mọi người khác đều “tham lam, bất chính, ngoại tình, và điển hình cho bọn tội nhân ấy là bọn thâu thuế khốn nạn. Thay vì nhìn vào Thiên Chúa, ông đã nhìn vào người thâu thuế, ông đã khoe rằng chẳng những đã giữ mình thoát khỏi tội lỗi của kẻ khác, lại còn làm nhiều việc lành hơn. Luật Do thái chỉ buộc ăn chay một ngày trong năm, đó là ngày lễ chuộc tội, những kẻ muốn lập công đặc biệt cũng kiêng ăn các ngày thứ hai và thứ năm nữa. Luôn nhớ đó là ngày phiên chợ và Giêrusalem đầy dẫn dây từ các làng đổ về. Những kẻ ăn chay làm cho sắc mặt mình tái đi, bước đi trong bộ áo nhàu nát, những ngày đó tuyên truyền mạnh mẽ cho cái vẻ đạo đức vì có nhiều người ngắm nhìn họ. Luật buộc dâng một phần mười lợi tức cho các thầy Lê vi, vị đạo sĩ này dâng một phần mười tất cả các thứ, kể cả các thứ không buộc phải dâng. Nói khác đi, ông tỏ ra tốt hơn điều Thiên Chúa đòi hỏi, ông làm như Thiên Chúa cần biết ơn ông, tất cả thái độ trên tiêu biểu cho một điều tệ hại nhất của chủ thuyết Pharisi. Có một bài cầu nguyện của một rabi còn được ghi lại như sau: “Lạy Đức Chúa Giavê, tôi cảm tạ Ngài vì đã đặt tôi dự phần với những viện sĩ Hàn lâm viện chứ không phải ngồi chung với những kẻ đầu đường xó chợ. Vì tôi dậy sớm thì chúng cũng dậy sớm, tôi dậy sớm để học luật pháp Chúa, chúng dậy sớm vì những sự hư không. Tôi làm việc chúng cũng làm việc; tôi làm việc vì lãnh phần thưởng, còn chúng làm việc và không được lãnh phần thưởng. Tôi chạy và chúng cũng chạy, tôi chạy tới sự sống đời sau, còn chúng chạy tới hố diệt vong”. Rabi Ben Jocai được ghi nhận là đã có lần nói: “Nếu chỉ có hai người công chính trên thế gian thì đó là tôi và con trai tôi; nếu chỉ có một người thì đó là tôi”. Người biệt phái này thực ra không lên Đền Thờ để cầu nguyện, ông ta đến để nói cho Thiên Chúa biết ông ta tốt như thế nào. Một con người như thế đâu có hiểu biết gì về sự thánh thiện của Thiên Chúa, về tinh túy của luật Chúa là tình yêu!
Người này cung kính đứng cách xa con người có vẻ thánh thiện, vì công đức của người ấy được mọi người nhận biết, cảm phục. Cũng không dám ngước nhìn lên trời, đấm ngực tỏ dấu ăn năn miệng kêu khấn: “Lạy Chúa, xin thường xót con là kẻ có tội”. Những chữ dùng ở đây không những chỉ tội nhân mà còn là tội nhân rất khốn nạn nữa. Và Chúa Giêsu cho biết chính lời cầu nguyện khiêm tốn và tấm lòng tan nát này khiến Thiên Chúa đóai thương ta.
– Người kiêu ngạo không thể cầu nguyện. Cửa lên trời rất thấp nên chỉ những ai biết quỳ gối mới có thể vào được.
– Người nào khinh dể anh chị em mình thì không thể cầu nguyện được. Trong khi cầu nguyện chúng ta không được nâng mình lên trên kẻ khác. Cần nhớ rằng chúng ta là một phần của nhân loại đang phạm tội, đang đau khổ, đang âu sầu, tất cả đang quỳ gối trước ngai thương xót của Thiên Chúa.
– Chỉ có sự cầu nguyện thật khi biết được đời sống mình bên cạnh đời sống của Thiên Chúa. Chúng ta không hề hồ nghi điều người biệt phái này nói, tất cả đều đúng. Ông đã ăn chay, ông đã kỹ lưỡng dâng một phần mười, ông ta đã không giống người khác, lại càng đã không giống người thu thuế này. Nhưng vấn đề không là: “Tôi có tốt như kẻ khác chăng?” nhưng “tôi có tốt như Thiên Chúa không?” Tất cả tùy ở chúng ta so sánh mình với đối tượng nào. Khi chúng ta đặt đời sống mình bên cạnh đời sống diệu kỳ của Chúa Giêsu, bên cạnh sự thánh thiện của Thiên Chúa, thì chúng ta chỉ có thể nói: “Lạy Chúa, xin xót thương con là kẻ tội lỗi.”
Dụ ngôn này không phải chỉ dạy về lòng khiêm nhường khi đi cầu nguyện mà cả trong mọi cách đánh giá bản thân và trong mọi lúc đến cùng Thiên Chúa. Nó đối chiếu sự tương phản giữa tôn giáo của hình thức và tôn giáo của tâm hồn. Nó minh định rằng chỉ có ăn năn là con đường duy nhất đưa đến sự tha tội và bình an.
Dụ ngôn này không phải Chúa kể cho người Pharisêu, dầu nó vạch trần bộ mặt giả tạo và tự lừa dối của mọi thứ chủ nghĩa biệt phái. Hình như khi kể, Chúa đã nghĩ đến mấy người trong số đã theo Ngài, nhưng dầu là thuộc giai cấp hay nghề nghiệp nào, ở thời đại nào hay nơi chốn nào, tinh thần biệt phái này cũng có đại diện. Đó là hạng người cho mình là đạo đức và coi kẻ khác không ra gì.
Nhận thấy mình tội lỗi, tìm cầu ơn tha tội và kêu xin lòng thương xót của Thiên Chúa, đó chính là khởi điểm của cuộc sống mới. Rồi muốn tiến bộ trên đường thánh thiện đến mức nào đi nữa, cũng vẫn cần lòng khiêm tốn như vậy. Càng gần ánh sáng càng nhận ra mình nhơ bẩn, càng gần Chúa càng thấy mình tội lỗi và càng không thể khoe khoang về thành tích đạo đức của mình. Hễ càng biết mình không ra gì, thì càng xứng đáng để phục vụ Chúa và đồng loại. Đứng trên phương diện quốc gia cũng như trong đời sống cá nhân, sự kiêu ngạo của chủ nghĩa Pharisêu ngăn trở tính cách đắc lực, tình huynh đệ và ân huệ của Thiên Chúa, điều cần thiết là chúng ta sám hối, sống khiêm cung: “Ai tự nhắc mình lên sẽ bị hạ xuống, ai tự hạ mình xuống sẽ được nâng lên”. [Mục Lục]
Nguồn tin: William Barclay
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn