LỜI HƯỚNG DẪN.
“Bởi vì Thiên Chúa đã đặt gia đình làm nguồn gốc và nền tảng cho xã hội loài người, nên gia đình trở thành tế bào đầu tiên và sống động của xã hội. Gia đình có những liên hệ chặt chẽ và sống động với xã hội, vì nó làm thành nền tảng cho xã hội, và không ngừng tiếp sức cho xã hội bằng việc phục vụ sự sống. Chính giữa lòng gia đình đã sinh ra các công dân, và chính trong gia đình mà các công dân ấy lần đầu tiên thực tập các nhân đức xã hội, là linh hồn cho sinh hoạt và sự phát triển của xã hội” (GĐ. 42).
I. GIA ĐÌNH VỚI XÃ HỘI.
1. Trong cơ cấu tự nhiên, con người vốn có chiều kích xã hội. Tự thâm tâm, con người được mời gọi để sống hiệp thông với tha nhân, và để trao đổi chính mình cho người khác.
2. Chiều kích xã hội đó, Thiên Chúa đặt vào con người, theo lời Công đồng Vat.II :“Thiên Chúa, với lòng phụ tử, hằng chăm sóc mọi người, đã muốn rằng : Mọi người họp thành một gia đình đối xử với nhau như anh chị em” (MV. 24).
3. Cho nên, có sự tùy thuộc lẫn nhau giữa con người với xã hội, những gì giúp ích cho con người, cũng là để phục vụ xã hội, và những gì làm cho xã hội, cũng là để giúp ích cho con người. Tông huấn Gia đình, số 45 nói :“Tương quan chặt chẽ giữa gia đình và xã hội : một đàng đòi hỏi gia đình phải mở rộng và tham gia vào xã hội cũng như vào việc phát triển xã hội, nhưng đàng khác lại đòi hỏi xã hội không được thiếu sót trong bổn phận nền tảng của mình là tôn trọng và thăng tiến gia đình”.
4. Sau đây là một số liên hệ giữa gia đình và xã hội :
a) Hôn nhân và gia đình là cách diễn tả đầu tiên của chiều kích xã hội nơi con người.
Ngay từ đầu, Thiên Chúa đã dựng nên loài người có nam có nữ, cho họ sống chung với nhau. Xã hội nhỏ bé đó là diễn tả đầu tiên của tính hợp quần nơi con người (x. MV.12).
b) Hôn nhân và gia đình là khung cảnh đầu tiên để người giáo dân dấn thân hoạt động xã hội. Khi vợ chồng hướng tới nhau, cha mẹ săn sóc con cái, ông bà khuyên bảo lũ cháu đàn con, là làm cho tính xã hội nơi họ mở rộng dần. Họ tập sống xã hội trong chính gia đình mình(x. GĐ. 42).
c) Gia đình còn là tế bào nền tảng của xã hội, vì gia đình là cái nôi của sự sống và tình yêu, trong đó con người được sinh ra và lớn lên. Mà tế bào gia đình có tốt, xã hội mới tốt được, như luật “Hôn nhân và Gia đình” đã xác nhận “Gia đình là tế bào của xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt; xã hội tốt thì gia đình càng tốt” (Lời mở đầu của Luật Hôn nhân và Gia đình).
Cho nên phải quan tâm đặc biệt gìn giữ gia đình trong trạng thái lý tưởng : yêu thương, hiệp nhất, hy sinh vì lợi ích của nhau. Các chiến dịch chống lại việc sinh sản có trách nhiệm, não trạng tìm kiếm khoái lạc, sự nghèo khổ cùng cực về văn hóa và giáo lý, đều là những thảm trạng đang làm vơi cạn nguồn mạch sự sống.
d) Gia đình phải ý thức tính cách căn bản của mình là hạt nhân nền tảng của xã hội để từ đó giữ vai trò chủ chốt và tích cực trong việc thăng tiến gia đình. Phải đòi hỏi mọi người, kể cả các nhân viên chính quyền, khi bảo vệ gia đình thì cũng bảo vệ chính xã hội.
e) Sau đây là một số quyền lợi căn bản của gia đình, mà xã hội phải tôn trọng (x. GĐ. 46) :
+ Mọi người, cách riêng những người nghèo, đều được lập gia đình và duy trì Gia đình bằng những phương tiện thích hợp.
+ Quyền sống thân mật trong cuộc sống Hôn nhân. Quyền duy trì dây Hôn nhân bền vững.
+ Quyền giáo dục con cái đúng với truyền thống riêng của gia đình, đúng với những giá trị tôn giáo và văn hóa, nhờ những phương tiện và những cơ chế cần thiết (x. TDTG. 5).
+ Quyền có được nhà ở thích hợp với đời sống lành mạnh gia đình.
+ Quyền có những giải trí lành mạnh.
+ Quyền di dân toàn thể gia đình để mưu tìm hoàn cảnh sống tốt đẹp hơn.
II. XÃ HỘI VỚI GIA ĐÌNH.
Tương quan chặt chẽ giữa xã hội với gia đình đòi buộc xã hội phải tôn trọng và thăng tiến cuộc sống gia đình :
1. Xã hội, nói đúng hơn, phải nhận rằng gia đình là “một xã hội được hưởng quyền lợi riêng biệt và ưu tiên” (TDTG. 5). Do đó, trong những gì liên hệ tới mối tương quan giữa xã hội với gia đình, thì xã hội có nghĩa vụ phải theo đúng nguyên tắc hỗ trợ cho gia đình.
2. Theo nguyên tắc ấy :
a) Quốc gia không được tước mất của gia đình những trách nhiệm mà gia đình có thể tự mình chu toàn cách tốt đẹp, hoặc một mình hoặc bằng cách liên kết với những gia đình khác.
b) Trái lại, Quốc gia phải cung ứng cho gia đình mọi sự trợ giúp (về kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa...) mà gia đình cần có để làm tròn các nghĩa vụ của gia đình.
3. Sau đây là một số điểm dân luật nhằm bảo vệ và hỗ trợ đời sống Hôn nhân và Gia đình :
a) Để việc kết hôn có giá trịpháp luật :
+ Nam 20, nữ 18 tuổi mới được kết hôn (đ. 5).
+ Phải tự nguyện, không bên nào được ép buộc bên nào, không ai được cưỡng ép hoặc cản trở (đ. 6).
+ Cấm kết hôn :
Những người đang có vợ chồng.
Những người mắc bệnh tâm thần, bệnh hoa liễu.
Những người cùng dòng máu trực hệ.
Những người bàng hệ trong ba đời.
Giữa cha mẹ nuôi với con nuôi (đ. 7).
+ Phải được kết hôn theo thủ tục qui định.
b) Để đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của vợ chồng và con cái:
+ Vợ chồng có nghĩa vụ và quyền ngang nhau về mọi mặt trong gia đình (đ. 10).
+ Nghĩa vụ chung thủy, yêu thương giúp đỡ nhau (đ. 11).
+ Vấn đề tài sản riêng và chung, vấn đề nghề nghiệp, nhà ở, xin xem các điều 12-18.
+ Về con cái : nghĩa vụ, tài sản, con cái vị thành niên, xin xem các điều 19-27.
III. ĐẠI GIA ĐÌNH.
1. Ngoài mối liên hệ với xã hội theo đúng nghĩa, còn có những liên hệ khác gần gũi hơn, mà gia đình Công giáo cần lưu tâm, đó là mối liên hệ với đại gia đình.
2. Ở Việt nam, đôi bạn mới kết hôn, thường ở chung với cha mẹ; thời gian vắn dài tùy hoàn cảnh. Cha mẹ, vợ chồng, con cháu làm thành một gia đình. Còn đại gia đình gồm cả những người cùng một tổ sinh ra, người sống cũng như người đã chết.
3. Trong sinh hoạt gia đình, con dâu, con rể phải một lòng tôn kính, mến yêu, phụng dưỡng cha mẹ đôi bên. Đưa chuyện bên này về bên kia, thường là căn cớ gây nên những xích mích khó hàn gắn.
4. Đối với đại gia đình, đây là nét đặc sắc của dân tộc Việt nam, nói lên “một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Kẻ sống kẻ chết, người ở xa, người ở gần gắn bó với nhau. Dù làm ăn xa xôi cách trở, thường cố gắng mỗi năm một vài lần về đoàn tụ xung quanh ông bà, cha mẹ ; tình nghĩa gia tộc vì thế thêm đậm đà.
5. Tuy nhiên, cũng có vài điểm bất lợi, nhất là khi nhiều thế hệ sống chung dưới một mái nhà. Lúc ấy, bậc ông bà thường can thiệp thái quá vào cuộc sống con cái, cháu chắt, có thể gây khó khăn cho việc phát huy tính tự lập, bản lãnh và tài năng của con cháu. Tâm lý khác biệt giữa các thế hệ cũng thường là nguyên nhân gây nhiều va chạm nặng nề và dai dẳng.
Để giảm bớt những xung đột đó, mỗi thế hệ nên tự hạn chế: người gìa nhiều kinh nghiệm, xứng đáng được tôn trọng, được lắng nghe. Tuổi trẻ phải học hỏi nhiều ở người gìa. Song tuổi trẻ cũng có quyền tổ chức đời sống theo ý nguyện riêng, bậc ông bà, cha mẹ nên tỏ ra khoan dung hơn.
6. Khi xảy ra những bất hòa, nên sớm gặp gỡ, trao đổi trong tình thân mật, xây dựng, hơn là để lâu, có thể “tức nước vỡ bờ”.
7. Phần anh chị em ruột thịt, dâu rể trong đại gia đình, phải biết yêu thương, đùm bọc nhau. Hãy thực hành chữ “nhịn” : “một nhịn chín lành”.
8. Và hơn tất cả, là gia đình Công giáo, mọi thành phần hãy sống noi gương gia đình Nazareth, biết kính trên nhường dưới, biết phục vụ lẫn nhau, thì dù là tiểu gia đình hay đại gia đình, họ sẽ thấy hạnh phúc tràn đầy.
“Thật là tốt đẹp lắm thay,
Anh em được sống sum vầy bên nhau”.
BÀI HỌC
32.H. Gia đình và xã hội có liên hệ gì với nhau ?
T. Gia đình và xã hội có liên quan mật thiết với nhau, vì :
+ Gia đình là khung cảnh đầu tiên thể hiện tính xã hội của con người và là khung cảnh đầu tiên để con người tập dấn thân hoạt động xã hội.
+ Gia đình là nền tảng xã hội.
33.H. Gia đình và xã hội có những vấn đề gì đối với nhau ?
T. Gia đình phải góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phúc âm ; còn xã hội phải tôn trọng và giúp đỡ những quyền lợi căn bản của Gia đình.
Nguồn tin: tinvuixuanloc.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn