Nếu như ngôn ngữ đóng vai trò truyền tải một thông điệp nào đó cho nhân loại, bạo ngôn lại là cách con người dùng để gieo ảnh hưởng tiêu cực và hạ giảm giá trị người khác. Nếu như hành động giúp thể hiện nhân cách của một người, bạo hành lại là cách con người dùng để mưu toan xâm hại và xúc phạm người khác, đồng thời, làm lệch lạc hình ảnh bản thân. Việc con người thời nay dùng bạo ngôn và bạo hành để đối xử với nhau là điều dễ hiểu, vì như Karl Marx đã nói: “Bạo lực là mẹ đẻ của lịch sử”. Ý hướng ban đầu có thể là thực hiện những cuộc cách mạng nhằm thay đổi lịch sử nhưng với thời gian, bạo lực đã trở thành “phong cách sống” của con người thời đại. Có thể nói, đây là một cuộc chiến làm đảo lộn và phá sản nhiều giá trị tinh thần.
Thực Trạng
Một nghiên cứu gần đây cho biết ở Việt Nam khoảng 40 triệu người tham gia và theo dõi các chương trình mạng, và số người đăng ký tài khoản Facebook, cao đứng thứ 7 thế giới. Đây có thể là dấu hiệu đáng mừng cho một nỗ lực của con người muốn xích lại gần nhau. Tuy nhiên, đánh giá từ các nhà chuyên môn lại cho rằng phần lớn do việc sử dụng thiếu mục đích lành mạnh mà những thông tin trái chiều và thiếu trách nhiệm của các tổ chức cũng như các cá nhân trở thành mối lo ngại. Điều này dẫn đến việc con người dùng bạo ngôn để ném đá nhau rồi liền phủi tay nói lên mình vô tội.
Đơn cử trường hợp một cuộc thi tài năng từ việc một bé gái 15 tuổi thi hát, và với khả năng có thể hát 6 thứ tiếng nhưng lại bị ban giám khảo loại từ vòng đầu (có thể vì không đáp ứng nhiều tiêu chí của cuộc thi), rồi đến việc mẹ của bé bức xúc phát biểu từ sau kết quả bị loại ấy, đã trở thành đề tài cho các trang mạng công kích từ ban tổ chức đến ban giám khảo, từ gia đình của bé đến cá nhân thí sinh. Nó tạo nên một làn sóng tiêu cực cho những người liên hệ và những ai quan tâm. Đây chỉ là một trường hợp trong muôn vàn tình huống khác nhau khiến ban giáo dục và truyền thông phải lên tiếng cải chính. Dù vậy, danh dự của người khác không vì thế được phục hồi. Như thế, chúng ta nhận ra thói bạo ngôn làm vương hại danh dự, lắm khi giết người không dùng dao.
Bạo ngôn đã thế, thói bạo hành còn nguy hiểm hơn, chuyện một chàng thanh niên đang đi dạo trên hè phố bỗng nhiên bị một tay côn đồ đến vả vào mặt.
Anh ngạc nhiên hỏi: Tại sao anh đánh em ?
Hắn trả lời: Tao đánh mày vì mày dám nhìn đểu tao.
-Đâu có, em bị lác mắt mà.
-Ừ, thì tao thích đánh mày, đã sao ?…
Thế mới rõ, ưu thế thuộc về sức mạnh của cơ bắp.
Chuyện nhan nhản hằng ngày, chẳng cần ai đặt lại vấn đề an ninh cho người dân vì có nhiều người còn đề cao sức mạnh và bạo lực.
Chúng ta không thể kể hết những chuyện đại loại như thế đang thịnh hành trong xã hội nước ta, kẻo chính bản thân cũng bị tiêm nhiễm thói xấu độc hại này vì khi bàn đến và chứng kiến bạo lực, con người có thể bình thường hóa bạo lực. Bạo lực vốn mang tính lay lan dễ tìm đất sống nơi những tâm hồn lệch lạc.
Ảnh Hưởng
Chúng ta không thể truy tìm đâu được một ảnh hưởng tích cực của thói bạo ngôn và bạo hành. Nếu có, đó chỉ là lối ngụy biện và bạo biện của những kẻ quá khích. Còn ảnh hưởng tiêu cực thì mang tính toàn diện.
Chúng ta có thể kể đến việc các nhà độc tài xâm hại và giết hại hàng loạt người. Đây chỉ là mặt nổi của vấn đề; chính sự đàn áp, bóc lột, đe dọa…của các nhà cầm quyền đã ảnh hưởng sâu đậm và lâu dài về mặt tâm lý trên người dân. Hay việc các nhà chức trách đã dùng phương tiện truyền thông phe nhóm để đặt điều, bôi nho, cắt xén hơn nữa, giải thích xuyên tạc lời phát biểu của những người không cùng chính kiến nhằm hạ giá uy tín và thanh trừng người liên hệ.
Bạo lực, giờ đây, trở thành một phương thế tối tân giúp trấn áp và bảo toàn an ninh quốc gia.
Cụ thể hơn, chúng ta cứu xét đến hai trường hợp đã được nêu trên.
Với bé gái 15 tuổi, có chút đam mê âm nhạc và khả năng nói 6 ngôn ngữ, có lẽ em được mọi người khuyến khích tham gia cuộc thi tìm kiếm tài năng nhưng vì chưa qua một lớp kỹ năng sống nào, nên không lường được những áp lực từ lời chỉ trích, gièm pha…Tất nhiên, em sẽ dễ dàng đánh mất đi sự tự tin vào bản thân, có thể dẫn đến sự thui chột về những khả năng vốn có. Còn xét về tương giao, em sẽ trở nên ‘nhạy cảm” với sự quan tâm của người khác; nếu tình trạng nặng hơn, sẽ dẫn đến trầm cảm. Những ảnh hưởng tiêu cực ấy sẽ qui trách cho ai ?
Hoặc chàng thanh niên bị tay côn đồ đánh dằn mặt như thế, ắt sẽ ảnh hưởng tiêu cực cách nào đó. Có thể anh sẽ nhận thức và đánh giá tiêu cực về hình ảnh bản thân (bị khuyết tật mắt) khiến trở nên mặc cảm và tránh tiếp xúc với một số người nào đó. Thậm chí, anh còn mất dần niềm tin tưởng vào người khác, điều này ảnh hưởng lớn đến tương giao nhân loại. Ai sẽ trả sự công bằng cho một người khuyết tật như anh ?
Với ảnh hưởng mang tính lay lan như thế, chúng ta cần tìm ra những nguyên nhân sâu xa để có hướng khắc phục, nếu không hoàn toàn cũng cần giải pháp giúp không chế mức độ lay lan.
Nguyên Nhân
Con người thời nay hô hào tự do báo chí, tự do ngôn luận. Nhưng vì thiếu ý thức trách nhiệm về những gì mình phát biểu trên cộng đồng mạng mà gây nhiều phiền toái cho đôi bên. Có những lời bình luận như một dịp giúp chủ thể giải tỏa tâm lý; họ nghĩ rằng mình chém gió thì chẳng chết chóc gì nhưng lại tạo một bầu khí ô nhiễm trên cộng đồng.
Sống trong một xã hội thực dụng, khuynh hướng con người chạy theo lợi nhuận, thế nên tính cạnh tranh trở nên gây gắt, việc “cá lớn nuốt cá bé” là chuyện bình thường của luật tiến hóa. Từ đó, con người tìm mọi cách thay vì cố gắng thay đổi chiến thuật để nâng cấp sản phẩm, mở rộng thị trường, nhiều người lại dùng chiêu bài hạ gục đối thủ cạnh tranh bằng những đòn tiểu nhân, tiểu xảo. Điều này làm băng hoại nền đạo đức kinh tế và những lãnh vực liên quan. Đây cũng là một hình thức bạo hành trong kinh doanh.
Một điểm khác cần lưu ý là khuynh hướng thống trị trong các tập thể. Do những người có khuynh hướng bảo thủ độc tài muốn nắm quyền sinh sát trên người khác mà cấp dưới phải thừa hành những yêu sách của họ. Với chủ trương khắc nghiệt như thế, họ không dễ dàng và sẵn sàng lắng nghe những ý kiến và sáng kiến của người khác. Nếu có ai vì thế mà nói và làm ngược với ý hướng của họ thì sẽ chịu những “trận đòn” chí tử. Xét cho cùng, những ai còn muốn tương quan với họ cũng chỉ vì vụ lợi hoặc phòng thủ hay tệ hơn, sống mối quan hệ hoàn toàn lệ thuộc.
Trong khi đó, ngành giáo dục phải hứng chịu những hậu quả nặng nề từ thói bạo ngôn và bạo hành mang lại. Từ việc học sinh đánh nhau đến việc học sinh “xử đẹp” thầy cô giáo. Hay việc học sinh nữ phải dùng thân mình hiến cho ông thầy hầu đổi lấy những con điểm như ý. Khuynh hướng chung, người ta đổ lỗi cho một hệ thống cơ chế bạo quyền nào đó.
Còn trong lãnh vực nghệ thuật, nơi đề cao tài năng và tôn vinh những người hoạt động chân chính phục vụ thiện ích xã hội, lại không thiếu những thái độ và hành vi khiếm nhã. Trước kia, người ta chỉ nói đến những điều tiêu cực giữa các nghệ sĩ ở hậu trường. Ngày nay, do đời sống cởi mở mọi người được tự do đối thoại ngay trên sân khấu, nhưng dần dà trở thành những cuộc đấu khẩu liên miên, thay vì đi vào những đánh giá chuyên môn giúp khán giả nâng cao tầm nhận thức cảm thụ nghệ thuật, các nghệ sĩ lại đem những chuyện riêng tư của nhau lên sóng truyền hình và gián tiếp hạ gục nhau. Xét cho cùng, đó là một trong những hình thức bạo ngôn. Nguyên nhân của những vụ việc này là do sự ganh tỵ và đố kỵ lẫn nhau.
Cũng trong lãnh vực nghệ thuật nhưng xét đến sự tương tác giữa phim ảnh và người xem. Phim ảnh ngày càng phát triển đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người xem, nhưng để tạo nên kịch tính cho tác phẩm, người làm phim tạo sự xung khắc lớn giữa nhân vật chính (vai thiện) và nhân vật phụ (vai ác), sự trả thù và chiến thắng của “cái thiện” đã tạo được sự đồng cảm nơi người xem, vô tình, người xem tự đồng hóa mình và sống cảm giác hả hê vì say men chiến thắng. Điều này đã tạo một sự kích động và bạo động cách nào đó nơi người xem và do bản tính thích cảm giác mạnh, họ lại đem chúng vào đời sống thực tạo nên những “thước phim” không cần kỷ xảo vẫn đẹp mắt như phim.
Còn trong giới hạn gia đình, thói gia trưởng lại có đất sống. “Đứa con của thời phong kiến” vẫn muốn nắm quyền cai quản cách tuyệt đối trong gia đình; chúng tạo nên bầu khí ngột ngạt, và tình yêu chăn gối chỉ còn là một sự phục vụ của hai cấp bậc khác nhau. Bầu khí tôn trọng không còn nữa, tình yêu trao hiến vì thế cũng trở nên một thứ hỏa ngục nào đó. Những sáng kiến của người vợ có thể là sự xỉ nhục cho gia trưởng; có khi lại là cớ để giải thích về sự chống đối của người kia. Tóm lại, một khi người chồng không còn coi vợ mình như một trợ tá cân xứng, sự tôn trọng lẫn nhau không còn nữa, một khi nền tảng này mất đi tính hiệu lực, tình yêu gia đình chỉ là nơi trú ẩn cho những tâm hồn bạo ngược và bạc nhược. Và những đứa con từ đó sinh ra có thể trở thành những tay độc tài mà lịch sử nhân loại đã minh chứng hùng hồn và cụ thể.
Chúng ta không thể liệt kê hết những nguyên nhân trong từng lãnh vực đời sống đã mang dấu vết bạo ngôn và bạo hành. Thế mà đây chỉ là những yếu tố ngoại lai. Thiết tưởng, chính yếu tố nội tại đến từ bản thân mới mang tính quyết định.
Trước tiên, chúng ta đề cập đến tính bất mãn kinh niên nơi một số người. Có thể, họ là những người sống có lý tưởng nhưng vì thời cuộc, họ bám chặt vào chế độ này mà lên án chế độ kia. Thật ra, đó cũng chỉ là yếu tố bên ngoài, chính thái độ quá khích của họ đã tạo nên một con người chỉ biết càm ràm, gậm nhắm người này hay tổ chức kia mà quên đi, đó lại là cách họ tự hủy hoại chính mình.
Cũng có thể do một chút tự ái hão nào đó, họ nổi cơn tam bành làm hư đại sự. Một khi mất đi sự kiểm soát bản thân, họ dễ dàng sa vào đường lao tù. Vì do mất đi hình ảnh bản thân nơi cái nhìn người khác, họ phóng lao và chạy theo lao để tìm những miếng mồi tạm sống qua ngày trong những khoảnh khắc vô định. Và do hoàn cảnh đưa đẩy, họ được cất nhắc làm đại ca, tay anh chị của những nhóm giang hồ “đui và điếc” : đui vì chém giết người khác mà không thấy xác chết đâu; điếc vì có tai mà không nghe tiếng đồng loại kêu van. Như thế, bạo lực tiếp nối bạo lực để lại một vết thương sâu trong một xã hội vốn bất công chồng chất.
Tính bạo lực ấy cần được giải thích dưới nhãn qua tâm lý học, nghĩa là chúng khởi đi từ bản năng gây hấn của con người dẫn đến sự hủy diệt hoàn toàn. Michael R.Kent thật chí lý khi nói: Thái độ gây hấn thường là dấu hiệu cho thấy một sinh vật đang sợ hãi và bị dồn vào chân tường. Thoạt tiên, chúng ta dễ sai lầm mà giải thích rằng những kẻ gây hấn là những người bản lãnh, nhưng thực ra chính thái độ công kích của họ cho thấy họ đang ở trong tình trạng yếu thế; sự sợ hãi và hốt hoảng là do họ không làm chủ được tình thế. Một khi mất khả năng kiểm soát và tự vệ, họ sẽ sống phần vô thức mà cho bản năng gấy hấn được tung hoành. Xét cho cùng, thái độ gây hấn thuộc về kẻ yếu.
Ngoài ra, chúng ta nói đến bạo ngôn và bạo hành mà không thể không truy nguyên về tư tưởng bạo lực. Nếu tư tưởng phát sinh lời nói và hành động, thì tư tưởng bạo lực sinh ra những đứa con bạo lực. Đó là mẹ đẻ của lịch sử theo cách nói của Karl Marx. Nếu như trong con người có phần thiện và ác, lòng bao dung và tính bạo lực thì việc họ tưới tiêu chăm bón cho hạt mầm nào thì nó sẽ phát triển. Nếu chỉ gieo vào đầu những tư tưởng tiêu cực, chống đối, giết hại,…thì bạo lực sẽ được đất sống. Trái lại, nếu tâm hồn được nuôi dưỡng bằng những tâm tình cao thượng, bao dung, tha thứ,…thì bản thân được bình an. Như thế, sự bất an trong tâm hồn làm phát sinh tính bạo lực trong cuộc sống.
Hướng Khắc Phục
Một khi đã khám phá ra những nguyên nhân của vấn đề, đồng thời, chúng ta cũng thấy thấp thoáng hướng giải quyết cho một tương lai nhiều hy vọng. Chúng ta cần lướt nhanh qua những yếu tố bên ngoài như môi trường hay những lãnh vực chính trị, văn hóa, giáo dục…vì để khắc phục, chúng phải mang tính qui mô rộng lớn trên bình diện quốc gia mà một cá nhân không thể bao quát được. Tuy nhiên, chúng ta cần ghi nhận một vài qui tắc cụ thể hướng dẫn.
Có thể nói, để giảm bớt thói bạo ngôn và bạo hành, mỗi người cần ý thức tính tương đối của những thực tại trần gian. Một khi lơ là hay giản lược qui tắc này, con người dễ rơi vào tình trạng lý tưởng hóa hoặc thái quá bất cập, điều này khiến con người dễ chủ quan khi nhận thức và đánh giá sự vật sự việc. Người viết không có ý cổ võ cho lối sống duy tương đối nhưng, điều quan trọng là cần nhận thức đánh giá và đặt để thực tại đúng vai trò và vị thế của nó. Được thế, chủ thể cần xác tín bậc thang giá trị của bản thân như những hướng dẫn cụ thể trong từng trường hợp. Chẳng hạn khi phải đối diện với một vụ cướp có nguy cơ xâm hại đến tính mạng, chúng ta thà mất một số tiền của nào đó để bảo toàn mạng sống mình, còn hơn chọn bạo động chống đối kẻ ác tức tính mạng nguy vong.
Qui tắc thứ hai là tổng thể lớn hơn từng phần. Qui tắc này rất hiển nhiên không cần chứng minh, nhưng khi áp dụng thực tế, một số vấn đề còn nhập nhằng chưa sáng tỏ. Chúng ta biết rằng do xu hướng con người sống thực dụng và chủ nghĩa cá nhân cao, có thể lấy của công làm của tư. Thay vì mỗi thành phần cần hy sinh cho đại cuộc thành sự, một số người lại bo bo giữ cho mình phần lợi ích, còn lại sống chết mặc bay. Thái độ này tạo thêm làn sóng bất mãn và bất công, khi có sự xả thân phục vụ công ích lại chịu thiệt thòi lớn do một số cá nhân lạm quyền.
Qui tắc thứ ba: ưu thế thuộc về giá trị tinh thần. Chúng ta dễ bị đặt giữa ngã ba đường, trong một cuộc chọn lựa nào đó. Chính qui tắc này sẽ giúp ta chọn lựa phần ưu tiên. Giữa một cơ chế cồng kềnh vô định và một bên là con người, chúng ta cần chọn con người. Người ta có thể dùng áp lực của một cơ chế mà yêu sách người khác, chúng ta cần nhìn nhận họ là một nạn nhân của một xã hội bất công mà đón nhận và cảm thông với họ. Khi ấy, lòng bao dung sẽ mở rộng sức chứa mà triệt tiêu những mầm mống bạo lực hòng phát sinh. Qui tắc này rất hiệu quả cần được quảng diễn và áp dụng thiết thực trong đời sống hằng ngày.
Sau khi đề ra những qui tắc hướng dẫn chung khi sống trong một cộng đồng, chúng ta cần ghi nhận những nỗ lực cá nhân sống tinh thần bất bạo động.
Có thể nói, thái độ lạc quan giúp con người sống cởi mở với thiên nhiên, tha nhân và Thiên Chúa. Một khi tấm lòng rộng mở như biển cả, những nhỏ nhen, vị kỷ chỉ như những nắm muối chẳng thấm vào đâu. Và nếu biết tận dụng, nước muối ấy lại hóa lành cho những tâm hồn thiện chí.
Thật ra, thái độ lạc quan cũng chỉ là bước đầu khi tiếp xúc với thực tại, chúng ta cần phải có thái độ nội tâm, nghĩa là nhìn dưới nhãn giới đức tin. Chỉ có tinh thần Tin Mừng mới giúp giải quyết thấu đáo mọi thực tại trần gian. Quả thật, thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII đã quả quyết: Đức Kitô là giải pháp cho mọi vấn đề. Ngay cả, Gandhi, người hùng của dân tộc Ấn Độ, cũng công nhận và lấy Bát Phúc của Tin Mừng làm kim chỉ nam cho chủ trương Bất bạo động của mình. Nếu như ông đã cố vận dụng hết sức mạnh của tinh thần để sống chủ trương ấy, vậy một khi chúng ta cụ thể hóa đức tin vào những giá trị này, ắt hẳn sẽ lợi thế hơn biết mấy ! Và lợi ích cho việc sống và cổ võ tinh thần bất bạo động này không dừng lại ở một trạng thái bình an nội tâm thủ đắc mà hơn thế, Chúa chính là phần thưởng siêu việt và tuyệt đối của tâm hồn.
Khi ấy, tinh thần bất bạo động chỉ dành cho những người hùng, những người mạnh mẽ chứ không yếu thế và bạc nhược.
EYMARD An Mai Đỗ O.Cist.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn