Alleluia, alleluia! - Ta là sự sáng thế gian, ai theo ta sẽ đuơc ánh sáng ban sự sống. - Alleluias

CẦU NGUYỆN VỚI THÁNH VỊNH 51

Chủ nhật - 10/03/2019 04:03
 

Muốn nhận được ơn cứu độ đó, con người phải nhìn nhận rằng, do tội nguyên tổ (Rm 5,12-21) và tội riêng mình, con người ở trong tình trạng tuyệt vọng, và phải trông chờ ơn tha thứ Thiên Chúa ban xuống qua Chúa Kitô.       

Các Kitô hữu rất thường dùng Thánh vịnh 51 để cầu nguyện và dùng trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Là một trong bảy Thánh vịnh thống hối (Tv 6; Tv 32; Tv 38; Tv  51; Tv 102; Tv 130; và Tv 143) Thánh vịnh này tạo nên chủ đề nổi bật và bối cảnh thuận tiện cho Thứ Tư lễ Tro và suốt thời gian Mùa Chay. Nó được dùng xuyên suốt mỗi tuần trong các Giờ kinh Phụng vụ, và đặc biệt trong cử hành phụng vụ người chết.

 

1/ Thể văn

Thánh vịnh này là lời cầu của một cá nhân ý thức thân phận tội lỗi của mình, nên xin Chúa thanh tẩy, đổi mới con người, và hứa sẽ dâng lễ tạ ơn. Đây là thánh vịnh thống hối thứ bốn và là một trong những thánh vịnh thống hối rất quen thuộc. Không chắc có mối liên hệ lịch sử nào về việc thốt lên bởi Đavít sau khi phạm tội với Bátsêva.

 

2/ Bố cục

Có thể chia làm 6 phần:

  1. Cc. 3-4: Nài xin Chúa thương xót.
  2. Cc. 5-8: Thú nhận tội lỗi.
  3. Cc. 9-11: Xin Chúa thanh tẩy.
  4. Cc. 12-14: Xin Chúa đổi mới tâm hồn.
  5. Cc. 15-19: Thề hứa dâng lễ tạ ơn.
  6. Cc. Nguyện cầu cho Sion.

3/ Giải thích

Cc. 3-4: Những câu này toát lên vẻ khẩn thiết với nhiều lời xin dồn dập. Có bốn lời khẩn cầu rên rỉ: xin thương, xóa bỏ, rửa sạch, thanh tẩy. Tác giả muốn mình mau được khỏi tội là điều làm cho mình ra ô uế.

Cc. 5-8: Ý thức mình có tội là điều kiện đầu tiên để được ơn tha thứ. “Con đắc tội với Chúa”: Tác giả nhìn nhận rằng tội phạm đến ai cũng là phạm đến Chúa (2 Sm 12,13). Cc 7-8 nói con người bẩm sinh đã yếu đuối và hướng chiều về tội (đây chưa có ý nói về tội tổ tông); nói thế để xin Chúa thông cảm.

Cc. 9-11: Hương thảo là một thứ rau húng, trong Cựu Ước dùng để rảy nước và máu lên những người cần được thanh tẩy, nhất là người phong cùi (Lv 14; Ds 19). Tội lỗi cũng được coi như một thứ phong cùi của linh hồn.

Cc. 12-14: Người có tội không những cần được tha thứ mà còn cần được đổi mới bên trong để vững tin theo Chúa. Việc đổi mới này được thực hiện nhờ “thần khí thánh”. Thần khí thánh chưa được hiểu là một Ngôi trong Thiên Chúa, nhưng là một sức mạnh Thiên Chúa đặt trong con người để thanh tẩy và lôi cuốn làm việc lành (x. Ed 36,27).

Cc. 15-19: Tác giả tin chắc rằng Chúa đã nghe lời và tha thứ. Một khi đã được hưởng ơn tha thứ ông hứa sẽ nói cho người khác biết tình thương bao dung của Chúa, để họ cũng trở về với Chúa. Đó là cách thức ông tỏ lòng biết ơn đối với Chúa. Theo luật Do Thái, người thụ ân Thiên Chúa phải dùng lễ vật cảm tạ. Lễ vật của tác giả không phải là một cái gì bên ngoài, nhưng là chính tâm thần thống hối và lòng tan nát ăn năn.

Cc. 20-21. Những câu này có lẽ được thêm vào sau thời lưu đày để làm cho thánh vịnh trở thành lời kinh của cộng đoàn: Xin Chúa tha thứ tội cho dân và tái thiết thành thánh Giêrusalem.

4/ Cầu nguyện của Cựu Ước

Tiêu đề của Tv (c.2) dường như muốn nói rằng vua Đavít đã viết nên Tv này sau khi bị ngôn sứ Nathan trách vì tội ngoại tình và sát nhân (2 Sm 12). Thực sự Tv này có một số điểm phù hợp với hoàn cảnh vua Đavít (c.6 : ‘tôi đắc tội với Chúa’; c.16: Xin Chúa tha nợ máu). Nhưng ta nhận thấy rằng Tv này chịu ảnh hưởng nhiều của các ngôn sứ thời sau, nhất là Giêrêmia và Êdêkien, ở những điểm như: bẩm sinh con người sa đọa; Chúa tẩy rửa, ban thần khí để đổi mới; lòng thành có giá trị hơn của lễ…Vì thế có lẽ được soạn sau này.

Thánh vịnh này có chiều sâu thần học hiếm có:

Quan niệm về tội lỗi. Nó là một phản ứng, một chọn lựa nghịch lại với Thiên Chúa và làm cho con người trở nên dơ bẩn, đáng bị trừng phạt.

Nhìn tội lỗi dưới ánh sáng lòng thương xót của Thiên Chúa: Không những Ngài tha thứ, mà còn tái tạo nên con người mới.

 

5/ Cầu nguyện của Kitô giáo    

Chủ đề thống hối chân thành, thực tâm trở về với Chúa rất quen thuộc đối với các văn sĩ thuộc mọi thời đại, khởi đầu từ Chúa Giêsu với dụ ngôn người con phung phá (Lc 15,11-31). Dụ ngôn này có nhiều nét gợi lại Thánh vịnh 51: Tình trạng khốn khổ của người con xa nhà cha; lời nhận tội của anh: “Con đắc tội với trời và với cha”; anh như chết mà sống lại; niềm vui của ơn tha thứ…

Thánh Phaolô cũng đặc biệt chú tâm đến chủ đề thống hối. Chúa Kitô là Con Thiên Chúa nhập thể đã đến loan báo cho loài người ơn tha thứ của Thiên Chúa và mang lại ơn tha thứ đó nhờ mầu nhiệm chết và sống lại của Người. Muốn nhận được ơn cứu độ đó, con người phải nhìn nhận rằng, do tội nguyên tổ (Rm 5,12-21) và tội riêng mình, con người ở trong tình trạng tuyệt vọng, và phải trông chờ ơn tha thứ Thiên Chúa ban xuống qua Chúa Kitô. Chính Thánh Thần của Chúa Kitô sẽ thanh tẩy và làm cho chúng ta trở thành con người mới (Ep 4,22-24).

Câu kết nói đến “Lễ vật toàn thiêu”, “lễ vật hiến tế”, “bàn thờ Chúa” không thể không làm chúng ta liên tưởng đến Hiến Lễ của Chúa Kitô trên đồi Calvê, là lễ Misa. Thánh Alphonsô Ligouri viết: “Chúa Kitô đã đền trả cho chúng ta giá của ơn cứu chuộc qua hiến tế Thập giá. Nhưng Người muốn hoa trái của ơn đó phải được áp dụng cho chúng ta trong Hiến lễ Bàn Thờ. Chính Người vừa là người dâng hiến vừa là của lễ là chính thịt và máu Người. Chỉ khác một điều là hiến lễ Thập giá thì có máu Người đổ ra; còn hiến lễ bàn thờ thì không đổ máu”. (x. A. Ligouri, Hi Lễ của Chúa Giêsu Kitô)

 

Lm. Giuse Ngô Quang Trung

Nguồn tin: gplongxuyen.org

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây