Alleluia, alleluia! - Ta là sự sáng thế gian, ai theo ta sẽ đuơc ánh sáng ban sự sống. - Alleluias

SẮP ĐƯỢC CỨU CHUỘC (01.12.2024 - CHÚA NHẬT TUẦN 1 MÙA VỌNG NĂM C)

Thứ bảy - 30/11/2024 11:24
SẮP ĐƯỢC CỨU CHUỘC (01.12.2024 - CHÚA NHẬT TUẦN 1 MÙA VỌNG NĂM C)

Phúc Âm: Lc 21, 25-28.34-36

“Giờ cứu rỗi chúng con đã gần đến”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao: dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ. Người ta sợ hãi kinh hồn chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời sẽ rung chuyển. Lúc đó, người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả. Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, chúng con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi chúng con đã gần đến. Chúng con hãy giữ mình, kẻo lòng chúng con ra nặng nề, vì chè chén say sưa và lo lắng việc đời mà ngày đó thình lình đến với chúng con, như chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất. Vậy chúng con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!”.

Đó là lời Chúa.

 

BÀI 1: SẮP ĐƯỢC CỨU CHUỘC

Suy Niệm

Mùa Vọng là mùa chờ đợi, mùa chuẩn bị cho lễ Giáng sinh,
Lễ kỷ niệm Con Thiên Chúa đã đến trần gian lần thứ nhất.
Nhưng không chỉ có thế.
Hội Thánh còn muốn dành Mùa Vọng để chờ ngày Quang Lâm,
ngày Con Thiên Chúa sẽ đến trần gian này lần thứ hai.
Bởi đó, cứ đầu Mùa Vọng, ta lại nghe đọc bài về Chúa trở lại,
Ngài sẽ trở lại trong quyền năng và vinh quang (Lc 21,27).
Đó là ngày Nước Thiên Chúa đến viên mãn (Lc 21,31),
là ngày hội vui vì nhiều người được cứu chuộc (Lc 21,28).
Ngày Chúa trở lại cũng là ngày tận thế (Lc 21,25-26).


Chúng ta không chỉ sống Mùa Vọng bốn tuần trong năm.
Đời kitô hữu là một Mùa Vọng kéo dài,
chờ những biến cố quan trọng và bất ngờ, chưa xảy đến.
Ngày nào Chúa Giêsu phục sinh chưa quang lâm,
để phán xét mọi người, kẻ sống và kẻ chết,
ngày đó chiến thắng của Ngài chưa trọn vẹn,
và kẻ thù cuối cùng là sự chết chưa bị đập tan (1Cr 15,26).
Đức Giêsu dạy ta biết cách sống Mùa Vọng đời mình,
đó là biết cách chờ.
Chờ Chúa quang lâm, chờ Nước Chúa đến,
chờ ngày tận thế, chờ được cứu chuộc.
Ngài đòi ta phải giữ cho trái tim mình nhẹ nhàng.
Có nhiều thứ vẫn đè nặng trái tim ta (Lc 21,34),
như say sưa, phóng đãng, hay âu lo chuyện thế tục.
khiến ta như cây lúa bị bóp nghẹt bởi gai góc,
không thể lớn lên và sinh hạt (Lc 8,14).
Nói chung, để có thể yên tâm đón Ngày Chúa đến,
cần giải thoát mình khỏi những trói buộc của trần gian.
Hơn nữa, còn cần giữ thái độ luôn luôn tỉnh thức,
và cầu nguyện để đủ sức vượt qua những biến động.
Khi Con Người đến trong đám mây, làm sao ta có thể ra đón
trong tư thế của người đang đứng?
Đứng thẳng và ngẩng đầu là tư thế của người tôi trung,
tự tin vì biết mình đã trung thành phục vụ chủ (Lc 21,28).
Đứng vững trước mặt Con Người (Lc 21,36),
hay đứng thẳng khi Con Người đến trong đám mây (Lc 21,28),
tư thế đó ngược với thái độ lo âu, sợ hãi, chết khiếp
của một số người, trước những hiện tượng trong vũ trụ.
Ngày tận thế là một ngày thật vui.
Vui vì được thấy tận mắt Chúa Giêsu vinh quang ngự đến.
Vui vì loài người được cứu độ trọn vẹn cả xác lẫn hồn.
Vui vì toàn thể vũ trụ bắt đầu một giai đoạn mới.


Trong lịch sử, có khá nhiều đồn đoán về ngày tận thế.
Nếu những lời đó đúng, thì tận thế đã đến cả trăm lần rồi.
Nhiều tín hữu quên rằng chính Đức Giêsu đã nói:
“Còn về ngày hay giờ đó thì không ai biết,
cả các thiên sứ trên trời, cả Người Con cũng không,
chỉ có Chúa Cha biết mà thôi” (Mc 13,32).
Khi tin vào những đồn đoán vu vơ,
có người nhẹ dạ đã bỏ công ăn việc làm, bỏ tài sản nhà cửa,
tích trữ lương thực và ngồi chờ ngày tận thế.
Chúng ta không khoanh tay chờ Chúa trở lại,
nhưng chăm chỉ làm việc cho Nước Chúa mau đến.


Chúa sẽ quang lâm vào ngày giờ nào ta không biết rõ.
Điều ta biết rõ là chắc chắn Ngài sẽ quang lâm.
Niềm tin vào việc Chúa trở lại sẽ chi phối cuộc sống.
Biến cố tương lai ảnh hưởng từng chi tiết của đời hiện tại.
Chúng ta cần nhận ra những dấu chỉ mới của thời đại
để thấy Nước Thiên Chúa đang đến gần hơn mỗi ngày.
Lòng không chút sợ hãi, nhưng thanh thản, bình an.


Cầu Nguyện


Lạy Chúa Giêsu,
nếu ngày mai Chúa quang lâm,
chắc chúng con sẽ vô cùng lúng túng.


Thế giới này còn bao điều khiếm khuyết, dở dang,
còn bao điều nằm ngoài vòng tay của Chúa.


Chúa đâu muốn đến để hủy diệt,
Chúa đâu muốn mất một người nào…


Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa
xây dựng một thế giới
yêu thương và công bằng,
vui tươi và hạnh phúc,
để Ngày Chúa đến
thật là một ngày vui trọn vẹn
cho mọi người và cho cả vũ trụ.


Xin nuôi dưỡng nơi chúng con
niềm tin vững vàng
và niềm hy vọng nồng cháy,
để tất cả những gì chúng con làm
đều nhằm chuẩn bị cho ngày Chúa trở lại.

 

BÀI 2: ĐỨNG THẲNG VÀ NGẨNG ĐẦU

Suy Niệm

Cuộc sống con người đầy những bất ngờ.
có những điều tôi nghĩ sẽ không bao giờ xảy ra,
thậm chí tin chắc sẽ không thể nào xảy ra được,
vậy mà thực tế chúng lại xảy ra.
Có những bất ngờ thú vị làm tôi ngất ngây.
Có những bất ngờ đớn đau làm tôi hụt hẫng.
Lắm người đi coi bói để biết trước tương lai,
hầu mong tránh được những bất ngờ bi thảm.


Người kitô hữu tin rằng vũ trụ sẽ có ngày cùng tận,
lịch sử sẽ kết thúc bằng biến cố Ðức Kitô quang lâm.
Nhưng khi nào chuyện đó xảy ra, chẳng ai biết được.
Nó giống như tấm lưới bất thần chụp xuống
trên tất cả dân cư trên mặt đất.
Thiên Chúa có tàn nhẫn không khi cứ thích cái bất ngờ,
khi cứ để cho con người sống trong thấp thỏm?
Thật ra cái bất ngờ chỉ đáng sợ
khi Ngài đến mà đèn chúng ta đã cạn dầu,
và những nén bạc Ngài giao vẫn còn bị chôn giấu.
Nếu chúng ta luôn thanh thoát, sẵn sàng,
thì việc Ngài đến sẽ là một bất ngờ thú vị.


Chúng ta dễ bị ru ngủ bởi những hoan lạc trần thế.
Trái tim chúng ta dễ bị trì trệ, nặng nề,
vì ăn nhậu say sưa, vì nuông chiều thân xác,
hay vì quá lo lắng cho cuộc sống hiện tại.
Cả những lo lắng chính đáng cũng có thể kéo ta đi xa,
và làm ta đánh mất khả năng dừng lại.
Chúng ta bị chìm ngập trong những tính toán làm ăn,
lo toan kiếm sống mà quên tìm lẽ sống.
Bài Tin Mừng hôm nay vén mở những điều kinh khủng
những biến động trong vũ trụ vào ngày Chúa đến.
Chúng ta không nên hiểu mọi hình ảnh ấy theo nghĩa đen.
Ðiều quan trọng hơn là những biến động nơi lòng người:
lo lắng hoang mang sợ hãi đến hồn xiêu phác lạc...
Khi Chúa Giêsu ngự đến uy nghi như vị Thẩm Phán.
nhiều người sẽ khiếp sợ rụng rời trước nhan Ngài,
nhưng đối với những ai đã tỉnh thức cầu nguyện,
thì đây lại là giây phút được mong đợi từ lâu
Ðấng họ chỉ thấy nhờ đức tin, nay được diện đối diện.
Ðây là cuộc hạnh ngộ giữa những người yêu nhau.
Chúa nhận ra tôi, tôi nhận ra Chúa,
Và tôi hiểu rằng chẳng gì có thể chia lìa được chúng tôi.
Tư thế của người biết mình sắp được giải phóng
là tư thế đứng, đứng thẳng, đứng vững, đầu ngẩng cao,
lòng tràn ngập hy vọng và hân hoan vui sướng
trước chiến thắng dứt khoát và trọn vẹn của Vua Giêsu.


Mùa Vọng nhắc ta lần đến đầu tiên của Chúa ở Belem,
và nhắc ta chuẩn bị lần đến cuối cùng của Ngài.
Giữa hai lần đến ấy, có biết bao lần Ngài bất ngờ đến
trong cuộc sống hàng ngày của từng người.
Xin cho tôi luôn đứng thẳng, cao đầu ra đón Ngài,
chẳng chịu một lần bỏ lỡ.


Gợi Ý Chia Sẻ

1. Cuộc sống được đan bằng những bất ngờ. Mỗi ngày là một bất ngờ, nên mỗi ngày có hương vị riêng. Bạn nghĩ gì về những người mê bói toán? Bạn có thích biết trước mọi chuyện tương lai của bạn không?

2. Nếu ngày mai tận thế thì hôm nay bạn sẽ làm những việc gì?


Cầu Nguyện


Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con nhìn thấy sự hiện diện của chúa
ở bên con dưới muôn ngàn dáng vẻ.
Chúa hiện diện lặng lẽ
như tấm bánh nơi nhà Tạm,
nhưng Chúa cũng ở nơi những ai nghèo khổ,
những người sống không ra ngoài.
Chúa hiện diện sống động nơi vị linh mục
nhưng Chúa cũng có mặt ở nơi hai, ba người
gặp gỡ nhau để chia sẻ lời Chúa.
Chúa hiện diện nơi giáo hội
gồm những con người yếu đuối, bất toàn,
và Chúa cũng ở rất sâu
trong lòng từng kitô hữu.
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con thấy Chúa đang tạo dựng cả vũ trụ
và đang đưa dòng lịch sử này về với Chúa.
Xin cho con gặp Chúa nơi bất cứ ai là người
vì họ có cùng khuôn mặt với Chúa.
Xin cho con khám phá ra
Chúa đang hẹn gặp con
nơi mọi biến cố buồn vui của đời thường.
Ước gì con thấy Chúa ở khắp nơi,
thấy đâu đâu cũng là nhà của Chúa.
Và ước gì con đừng bỏ lỡ bao cơ hội gặp Chúa
trên bước đường đời của con. Amen.

 

BÀI 3: HÃY TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN LUÔN

Suy Niệm

Nhiều kitô hữu tưởng Phục Sinh là dấu chấm hết của Kitô giáo.
Thật ra Kitô giáo vẫn đang hy vọng
và chờ đợi một biến cố hết sức quan trọng:
biến cố Chúa trở lại trong vinh quang
để phán xét kẻ sống và kẻ chết.
Biến cố này hoàn tất lịch sử nhân loại
và hoàn tất công cuộc cứu độ của Chúa Giêsu.
Bao lâu Chúa Kitô chưa trở lại
người kitô hữu còn phải chờ.
Chờ đợi làm nên cuộc sống kitô hữu,
cuộc sống Giáo Hội.


Những kitô hữu thời sơ khai đã nôn nao chờ đợi.
Họ ngỡ rằng chẳng bao lâu nữa Chúa sẽ trở lại.
Nhưng dần dần người ta nhận ra rằng
cần phải chờ đợi một cách tích cực,
cần phải chuẩn bị thế giới này đón Chúa khi Ngài đến,
để Ngày Chúa quang lâm thực sự là ngày hội vui
của cả địa cầu và cả vũ trụ.
Ngày Chúa đến vẫn là một bất ngờ như mọi lần.
Ngài đã chào đời bất ngờ như một trẻ thơ quấn tã,
Ngài đã sống bất ngờ như một bác thợ mộc vô danh,
Ngài đã chết bất ngờ như một kẻ bị đóng đinh vì gây rối,
Ngài đã sống lại bất ngờ, hiện ra với hai môn đệ về Emmau.
Ngài sẽ trở lại bất ngờ…
Tỉnh thức chờ đợi là thái độ sống của Mùa Vọng.
Tỉnh thức là sẵn sàng đón Chúa với đèn sáng trong tay.
Tỉnh thức là trung tín chu toàn cả những bổn phận bé nhỏ.
Tỉnh thức là tích cực đầu tư những nén bạc Chúa trao.
Tỉnh thức luôn đi đôi với cầu nguyện.
Thế giới hôm nay cho giới trẻ nhiều thứ ma túy hấp dẫn
như shisha, cần sa, bóng cười, thuốc lá điện tử, rượu bia…
Những thứ đó ru ngủ bằng cách làm người ta thức thâu đêm.
Cuộc sống quá khó khăn hay quá dễ dãi
đều làm chúng ta đánh mất thái độ tỉnh thức chờ đợi.


Chúa đã đến trong âm thầm,
Chúa sẽ đến trong vinh quang.
Chúa đang đến nhẹ nhàng trong thế giới,
trong từng người, từng tập thể.
Cần tập nghe tiếng bước chân của Chúa…
Mùa Vọng là thời gian ta chờ Chúa đến,
nhưng đừng quên chính Chúa mới là người chờ ta từ lâu,
vì ta không nghe được tiếng gõ cửa của Ngài.
Nếu chúng ta không chịu mở cửa, Ngài đành phải đứng ngoài.
Ước gì chúng ta khẩn khoản nài xin như các kitô hữu sơ khai:
“Marána thá! Lạy Chúa, xin hãy đến” (1 Cr 16,22).
“Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến” (Kh 22,20).


Gợi Ý Chia Sẻ

1. Theo ý bạn, con người hôm nay có dễ tỉnh thức không? Cái gì đang làm cho giới trẻ trở nên mê ngủ (ma túy, rượu chè, bạo lực, tình dục...?

2. Bạn dự tính sống mùa Vọng như thế nào? Bạn sẽ giúp gì cho những bạn khác sống mùa Vọng?


Cầu Nguyện


Lạy Chúa,
con thường thấy mình không có giờ cầu nguyện,
không có giờ đi vào sa mạc
để ở bên Chúa và trò chuyện với Ngài.
Nhưng thật ra sa mạc ở sát bên con.
Chỉ cần một chút cố gắng của tình yêu
là con có thể tạo ra sa mạc.
Mỗi ngày có biết bao giây phút có thể gặp Chúa
mà con đã bỏ mất:
Khi chờ một người bạn,
chờ đèn xanh ở ngã tư,
chờ món hàng đang được gói.
Khi lên cầu thang,
khi đến nơi làm việc,
khi kẹt xe,
khi cúp điện bất ngờ.
Thay vì bực bội hay nóng ruột
con lại thấy mình sống an bình
trong sự hiện diện của Chúa.
Lạy Chúa,
những sa mạc ngắn ngủi hằng ngày
giúp con tỉnh thức
để nhạy cảm với ý Chúa.
Xin cho con yêu mến Chúa hơn
để tìm ra những sa mạc mới
và vui vẻ bước vào.
(gợi hứng từ Madeleine Delbrel)

Nguồn tin: hdgmvietnam.org

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây