Alleluia, alleluia! - Ta là sự sáng thế gian, ai theo ta sẽ đuơc ánh sáng ban sự sống. - Alleluias

"QUYỀN SỐNG CỦA CON NGƯỜI" TRONG VẤN ĐỀ PHÁ THAI

Thứ sáu - 29/04/2022 08:04
Học Thuyết Xã Hội về quyền sống của con người trong vấn đề phá thai

Ngày nay, phá thai là một hiện tượng đáng buồn khi mà sự sống thai nhi đang bị tước đi “cách bình thường” bởi sự ủng hộ của luật pháp các quốc gia. Thông truyền sự sống con người là nhiệm vụ và bổn phận của tất cả mọi người. Vì thế, chúng ta được mời gọi để tìm hiểu sâu hơn giá trị tối quan về quyền được sống của con người.
 
"QUYỀN SỐNG CỦA CON NGƯỜI" TRONG VẤN ĐỀ PHÁ THAI
  1. Quan điểm của Học Thuyết Xã Hội về giá trị sự sống của thai nhi
Đối với xu hướng con người ngày nay, việc đề cao chủ nghĩa tập thể và lợi ích cộng đồng, lãng quên cá nhân dẫn tới hủy diệt tự do làm chủ sự sống con người ngày càng trở nên nghiêm trọng. Lẽ ra vật chất, lao động, kinh tế, chính trị và dân sự phải phục vụ cho con người; thì ngược lại chính quyền, luật pháp và con người thời đại lại ủng hộ cho việc phá thai, dùng các phương pháp nhân tạo để ngừa thai chỉ vì lo sợ bùng nổ dân số, thiếu thốn tài nguyên thực phẩm, điều kiện làm việc, tình trạng nhà ở…
Trong bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, điều 28, năm 1948 đã nhấn mạnh rằng: “Mọi người đều có quyền đòi hỏi được sống trong một trật tự xã hội và trật tự quốc tế, trong đó các quyền và các tự do được đề cập trong Bản Tuyên Ngôn này có thể được thể hiện đầy đủ.Như vậy, bản tuyên ngôn này cách nào đó đã nói lên quyền được sống và tự do để sống cách hạnh phúc của một con người trong xã hội hay nói một cách dán tiếp là không ai có quyền hủy diệt đi một con người đang hình thai trong lòng mẹ. Đó là tự do chủ quan của quyền làm người.

Thế nhưng, đi ngược lại với khuôn mẫu chung cần đạt tới của mọi quốc gia và mọi dân tộc là nguy cơ của thuyết hiện sinh đề cao con người có tự do tuyệt đối và Thiên Chúa chỉ là người cản đường (Theo Jean Paul Sartre và Friedrich Nietzsche). Từ đó dẫn đến trào lưu những người theo xu hướng tự do khách quan. Một sự tự do đưa họ đến những quyết định đi xa liên quan đến sự sống như tự do phá thai theo ý muốn, tự do trao đổi hôn phối, tự do thay đổi giới tính, tự do thụ thai trong ống nghiệm. Điều này đi ngược lại với gia trị luân lý mang tính chủ quan.[1]
Chính vì thế, Học Thuyết xã hội lên tiếng chống lại lối tự do đi ngược lại với luân thường đạo lý, đi ngược lại với ý định của Thiên Chúa. Học thuyết xã hội cho rằng phá thai là một tội ác đáng ghê tởm và là một sự phá hoại luân lý một cách đặc biệt nghiêm trọng; thay vì là quyền lợi , phá thai chính là một hiện tượng đáng buồn góp phần đáng kể vào việc phổ biến não trạng chống lại sự sống, là một sự đe dọa nguy hiểm cho việc chung sống trong xã hội cách công bằng và dân chủ.[2]
Như vậy, chỉ có Thiên Chúa là chủ sự sống mà ngay từ lúc hình thành từ trứng và tinh trùng thì Thiên Chúa đã nâng niu, trân trọng và đặt một chương trình ý định cho nhân vị sẽ hình thành từ trứng đã được thụ tinh ấy. Học Thuyết Xã Hội đã đưa ra giá trị siêu việt của con người là dấu ấn bàn tay sáng tạo của Thiên Chúa – hình ảnh tốt lành của Ngài là tự do, tình yêu và lý trí. Tất cả điều nằm trong trách nhiệm làm người – trách nhiệm lưu truyền sự sống “Hãy sinh sôi nảy nở cho đầy mặt đất” (St1,28). Một nhân vị tuy nhỏ bé nhưng lại có giá trị rất lớn trước mặt Thiên Chúa, được Thiên Chúa yêu, được Chúa tôn trọng tự do, loài người không có quyền gì trên sự sống của người khác và ngay cả chính bản thân mình.
  1. Lập trường của Giáo Hội đối với việc phá thai
Ngày 25/7/1968, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã ban hành thông điệp Humanae Vitae về sự sống con người. Humanae Vitae là một khẳng định mạnh mẽ của Giáo Hội đối với mọi hình thức ngăn chặn việc sinh sản hay phá thai với bất cứ lí do và mục đích nào.Căn cứ vào những điểm cốt yếu trong quan niệm của Công giáo cũng như của con người về vấn đề hôn nhân, Ta thấy cần phải tuyên bố một lần nữa là: không thể nào chấp nhận - lý do vì việc đó bất hợp pháp - việc điều hòa sinh sản bằng cách trực tiếp ngăn chặn sự diễn biến đã khởi sự một mầm sống, và nhất là việc cố ý phá thai dù với lý do y tế cũng vậy”[3]. Humanae Vitae chỉ ra ơn gọi cao quý của mỗi người cách này hay cách khác đều hướng đến bảo tồn và lưu truyền sự sống. Lời kêu gọi ấy không chỉ dành riêng cho các cặp vợ chồng nhưng cho tất cả mọi người nhất là đối với các bác sĩ, nhân viên y tế, các nhà bác học, những nhà cầm quyền, các linh mục, tu sĩ và giám mục. Lời kêu gọi không chỉ dừng lại trong Giáo Hội nhưng là lời mời gọi cho toàn thế giới. Lời kêu gọi này càng cấp bách hơn khi tư tưởng của thuyết duy lợi và thực dụng đang lớn dần trong xã hội, tư tưởng nhấn mạnh đến “chất lượng cuộc sống” hay còn gọi là cuộc sống đơn chiều kích: chiều kích tiêu thụ làm tha hóa con người hơn là phải quy hướng về phẩm giá của sự sống theo triết gia Tân-Marxist Herbert Marcuse (1898-1979). Bên cạnh đó, Peter Singer[4] cho rằng một con người đúng nghĩa có thể cảm nhận lạc thú cũng như đau khổ nên cần có thần kinh ổn định. Để rồi từ đó, một số đất nước sử dụng phôi thai người cho các cuộc thí nghiệm. Chống lại những quan niệm sai lạc trên, Humanae Vitae cho rằng sức mạnh tình yêu hôn nhân làm cho các đôi vợ chồng biết tôn trọng các định luật diễn biến của mầm sống. Thế nên, rõ ràng con người công nhận rằng mình không có quyền sinh sát đối với nguồn mạch sự sống, và vì không có quyền hạn ngay chính trên thân xác mình thì tất nhiên họ cũng không có quyền hạn vô song đối với các khả năng tạo thành mầm sống.[5] Tuy toàn bộ Humanae Vitae nhắm mục đích là vấn đề luân lý về việc điều hòa sinh sản nhưng ta lại bắt gặp chiều sâu của giá trị ơn gọi làm người. Bởi vì qua Humanae Vitae, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã đưa ra nền luân lý Kitô Giáo hướng về những giá trị khắc ghi trong bản tính con người là “Luật Thiên Chúa” nên sự sống con người là quý giá không ai được phép chối bỏ hay hủy diệt.
Cũng vậy, tại Công Đồng Vaticano II, Giáo Hội trình bày lại giáo huấn vững chắc và liên tục của mình rằng: “Sự sống ngay từ lúc thụ thai, phải được giữ gìn hết sức cẩn thận; việc phá thai cũng như việc sát nhi, là những trọng tội gớm ghiếc[6]. Hơn nữa, Huấn Quyền liên tục tái xác nhận việc lên án về mặt đạo đức mọi sự phá thai cố ý vì con người ngay từ lúc đầu tiên, nghĩa là từ lúc hợp tử phải được tôn trọng và đối xử như một nhân vị do đó nó có những quyền của nhân vị, trong số đó phải kể trước tiên quyền được sống của mọi người vô tội: “Khoa di truyền cho thấy, ngay từ giây phút đầu tiên, chương trình phát triển trong tương lai của sinh thể đã được nó định đoạt: một con người, một con người cá biệt với những đặc tính đã được xác định rất rõ ràng. Cuộc phiêu lưu của sự sống trong một con người bắt đầu ngay từ lúc thụ tinh, với thời gian các khả năng to lớn của sự sống sẽ lần lượt xuất hiện và sẵn sàng hoạt động”[7]
Huấn Quyền của Giáo Hội cho chúng ta thấy rằng con người là thụ tạo duy nhất trên trần gian được dựng nên vì chính nó [8]. Như vậy, sự sống con người là thánh thiêng vì nó mang hành động sáng tạo của Thiên Chúa và chỉ có Thiên Chúa là cứu cánh của nó. Chỉ có Thiên Chúa là chủ sự sống từ đầu tới cuối: không ai và trong bất kì trường hợp nào lại có thể tranh dành cho mình quyền trực tiếp hủy hoại một con người vô tội. Ơn sự sống mà Thiên Chúa trao và cho con người là một ơn huệ vô giá nên tất cả mọi người phải ý thức về giá trị vô giá của nó và phải biết trân trọng và bảo vệ những mầm sống quý giá ấy.
 
Nữ Tu Magarita Phạm Thị Thùy Giang
Dòng Đức Bà Truyền Giáo
TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Tóm lược Học Thuyết Xã Hội của Hội Thánh Công Giáo
  2. Công Đồng Vaticanô II, Hiến Chế Mục Vụ
  3. Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio
  4. Phaolô VI, Thông điệp Humanae Vitae, 25/7/1968
  5. Nhiều tác giả, Tìm hiểu thông điệp Humanae Vitae
  6. Công Đồng Vaticanô II, Hiến chế Lumen Gentium, 21-11-1946
  7. Gioan Phaolô II, Giáo Hội và sự sống, 2007
  8. Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, 1948
 
 

[1] Vital Luca Nguyễn Hữu Quang, Tìm hiểu thông điệp Humanae Vitae, chương: Humanae Vitae – một cố gắng tiếp cận từ nhân học triết học Kitô
[2] Tóm lược Học Thuyết Xã Hội, số 233
[3] Humanae Vitae, số 14
[4] Cf.P.Singer, Animal liberation, 1975
[5] Vital Luca Nguyễn Hữu Quang, Tìm hiểu thông điệp Humanae Vitae
[6] Hiến chế Lumen Gentium, 21-11-1946, số 41
[7] Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio, 22-11-1981, số 13
[8] Công Đồng Vaticanô II, Hiến Chế Mục Vụ, chương I, số 24, đoạn 3

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây