Đâu là tinh túy của một tôn giáo đích thực? Rốt cùng, cái gì làm nên cương vị tông đồ đích thực? Ngày nay, có nhiều căng thẳng trong và giữa các nhà thờ về vấn đề này.
Đối với một số người, tôn giáo là tất cả những gì nói đến bản sắc, ranh giới, giáo điều, luân lý, phụng vụ, đề mục. Lúc đó mối bận tâm là trắc nghiệm khả năng trung thành với truyền thống.
Đối với một số khác, tôn giáo có nghĩa là công chính và quan tâm đến người nghèo. Lúc đó mối bận tâm luôn luôn là xem trong mỗi cấu trúc và hành động trên người nghèo có đúng với cảm nhận riêng của mình không.
Cuối cùng, với một số người, tôn giáo mang ý nghĩa hướng nội, bình an tâm hồn, hài hòa với quả đất và với người khác, tha thứ, có tâm hồn cao thượng, có quan hệ mật thiết với Thiên Chúa.
Ai sẽ đúng? Trong một cách nào đó, tất cả đều đúng.
Khi nhìn vào sự phát triển của đạo Do Thái, đạo đã mang Đức Giêsu đến cho chúng ta, chúng ta thấy các hiểu biết của họ về tôn giáo phát triển qua ba giai đoạn: sách Đệ Nhị Luật, sách Ngôn Sứ, và sách Khôn Ngoan.
Sách Đệ Nhị Luật: Khi dân Do Thái lần đầu tiên thành lập một cộng đồng tôn giáo, các hành động thực tiễn (và khắc khoải về tôn giáo của họ) liên quan nhiều đến việc thiết lập một bản sắc duy nhất, có những giới hạn riêng, gắn bó với một bộ luật luân lý duy nhất, và tuân giữ rất nghiêm ngặt các lề luật. Điều này chính xác là để phân biệt rõ ràng ai ở trong ai ở ngoài, ai theo và ai không theo, ai có lòng thành và ai không có.
Sách Ngôn Sứ: Nhưng quan điểm đó rốt cuộc bị thử thách. Sau một thời gian, khi các ngôn sứ xuất hiện, họ nhìn vào cộng đồng tôn giáo và nhân danh tôn giáo chân chính họ đòi hỏi một trọng tâm khác. Một cách ngắn gọn, họ bắt đầu nói: “Thiên Chúa quan tâm đến người nghèo nhiều hơn việc tuân giữ đạo!” Theo họ, tôn giáo đích thực là quan tâm đến người nghèo. Họ đã chuyển điều này thành lời suy niệm: Phẩm cách niềm tin của chúng ta sẽ được phán xét dựa trên phẩm cách công chính của chúng ta đối với người nghèo ở quả đất này, người bị tổn thương nhất trong xã hội. Không ai có thể vào nước trời mà không có thơ giới thiệu của người nghèo.
Sách Khôn Ngoan: Nhưng Thánh Kinh Do Thái không chỉ kết thúc với các ngôn sứ, cuối cùng có một cái gì đó khác đã được phát triển. Một nhóm lãnh đạo và giảng dạy tôn giáo khác xuất hiện, họ không những không coi nhẹ các giới hạn riêng, đạo lý hay quan tâm đến người nghèo mà họ còn nhấn mạnh một điểm khác, đó là, lòng trắc ẩn, sự cần thiết phải có một tâm hồn cao cả, đầy lòng quảng đại, có khả năng ôm lấy các khác biệt. Tôn giáo đích thực khi đó trở thành lòng trắc ẩn, cảm thông, tâm hồn quảng đại.
Đức Giêsu đứng về bên nào? Người phê chuẩn hết.
Một mặt, Đức Giêsu làm rõ ràng các chuyện này, bản sắc, giáo huấn, luân lý, phụng vụ không phải là các chủ đề thương thảo có thể hay không thể làm thành một phần nào đó của tôn giáo. Người cảnh báo, một cách rõ ràng và mạnh mẽ, không được phóng túng về các điều răn, lề luật, lễ nghi cộng đoàn, truyền thống.
Nhưng, cũng như các ngôn sứ Do Thái vĩ đại, Đức Giêsu, cũng rõ ràng, ở một điểm, tôn giáo là cách chúng ta quan tâm đến người nghèo. Đơn giản và đơn thuần như vậy. Có lẽ không một đoạn Kinh Thánh nào làm chúng ta sợ hơn là giáo huấn của Đức Giêsu về phán xét cuối cùng trong chương 28, Phúc Âm thánh Mát-thêu. Đức Giêsu nói, vào ngày sau hết, Thiên Chúa sẽ phán xét dựa trên việc: Chúng ta có quan tâm đến người nghèo hay không? Có cho kẻ đói ăn, khát uống, rách rưới ăn mặc không? Chúng ta nên để ý một chuyện, Chúa không hỏi một trắc nghiệm nào về chính thống, không một công thức tín điều, không câu hỏi giáo lý, thậm chí cũng không có các câu hỏi về đạo đức riêng tư, chỉ một câu hỏi là cách chúng ta đối xử với người nghèo.
Nhưng giáo huấn của Đức Giêsu còn đi xa hơn, đi xa hơn là đòi hỏi lo cho người nghèo. Người nói với chúng ta, “Hãy xót thương như Cha các con trên trời xót thương các con.” Đối với Chúa Giêsu, tôn giáo đích thực, ở một điểm, là theo tầm mức cao cả và phẩm cách quả tim chúng ta, rộng rãi hay chật hẹp, ngọt dịu hay chua cay, thứ tha hay giận dữ, khả năng noi theo tình yêu Thiên Chúa để yêu thương tất cả một cách bình đẳng và nồng ấm, với người xấu cũng như người tốt. Thách đố cuối cùng của Đức Giêsu là làm sao để mỗi người trong chúng ta có một trái tim, như trái tim người cha nhân hậu ôm lấy cả yếu đuối của đứa con hoang đàng và cả giận giữ của người con cả. Trái tim Thiên Chúa không phải là một khu phố chật hẹp, cũng không phải thiên đàng, và để vào được nước trời, chúng ta cần có một trái tim không phải là một trái tim chật hẹp.
Có lẽ tầm nhìn này có thể giúp chúng ta phân loại một vài căng thẳng trong cuộc sống hôm nay, chẳng hạn, các nhóm khác nhau đòi hỏi nhấn mạnh đỉểm này điểm kia xem như đó là tâm điểm của tôn giáo. Các ranh giới, bản sắc, luân lý, phụng vụ, lề luật đều quan trọng, cũng như, dứt khoát, quan tâm đến người nghèo là quan trọng.
Tuy nhiên, sau hết, tất cả điều này phải được hình thành trong một trái tim có khả năng tỏa tình yêu thương của Thiên Chúa, cảm thông, thứ tha, dịu dàng, nồng ấm, yêu thương không phân biệt. Nếu không sẽ đương nhiên và dễ dàng đi đến chua cay, căm thù, bạo lực – tất cả lại được làm nhân danh Thiên Chúa và tôn giáo đích thực.
Ronald Rolheiser
J.B. Thái Hòa dịch
Nguồn tin: lamhong.org
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn