Giáo Xứ Thánh Minh Winnipeg Canada

https://giaoxuthanhminh.ca


Khuyến khích con tham gia hội đoàn giáo xứ

 

Trong cuộc sống ngoài môi trường gia đình, trẻ cần lắm một nơi phát huy năng khiếu cũng như hình thành nhân cách sống, như tại các hội đoàn của giáo xứ.

Nơi tập sống tinh thần phục vụ

Không giai đoạn nào tập một thói quen tốt hiệu quả như khi tuổi còn bé. Đối với trẻ nhỏ, việc gia nhập hội Thiếu Nhi Thánh Thể để tập giữ đạo và sống đạo là tốt nhất. Anh chị Trần Văn Thanh, 35 tuổi (giáo xứ ĐMHCG Q3) cho biết đã cho con tham gia vào hội Thiếu Nhi Thánh Thể khi còn rất nhỏ. Nhờ vào đoàn thể, con gái đã có thói quen đi lễ đúng giờ, siêng đọc kinh tối và nhất là sau khi nhận bí tích Thánh Thể, bé siêng năng xưng tội, rước lễ và cũng năng nhắc nhở mọi người trong nhà giờ các ngày lễ lớn dù con bé chỉ mới học cấp 2.

Trong hội Thiếu Nhi Thánh Thể còn có các hoạt động như tung hoa Đức Mẹ trong các nghi lễ rước kiệu. Việc tưởng chừng đơn giản này lại mang đến niềm vui lớn cho các em, khi cảm nhận được mình đang góp sức cho cộng đồng giáo xứ. Anh Nguyễn Minh Tâm, 24 tuổi (Q10) trưởng thành từ Hội Thiếu Nhi Thánh Thể. Biết chút nhạc lý, có giọng ca tốt, anh tham gia vào ca đoàn của giáo xứ... Đặng Thị Nga và Minh Tâm sẽ không tự tin và hăng hái trong hội đoàn của mình nếu như không có sự khuyến khích từ ba mẹ.Trong hội đoàn, thường các anh chị trưởng cũng như cha linh hướng tổ chức những buổi thăm hỏi, giúp đỡ gia đình neo đơn, hoặc nhà dưỡng lão, các trung tâm dành cho người khuyết tật. Nhờ được tham gia các hoạt động như thế, em Đặng Thị Nga, 14 tuổi (Q1) đã có thói quen quan tâm đến người xung quanh. Cứ gần Giáng sinh, Tết, Trung thu, ngày 1 tháng 6..., cô bé tiết kiệm tiền ăn sáng để khi anh chị giáo lý viên lên tiếng đóng góp, em sẵn sàng đập ống heo chia sẻ cùng những mảnh đời khó khăn.

Bà Lê Thị Nguyệt, mẹ của Nga, cho biết: “Lúc nhỏ, bé Nga đã được tôi cho tham gia hội thiếu nhi. Ban đầu con bé không chịu vì phải đi lễ dành cho thiếu nhi và phải đúng giờ, trước lễ và sau lễ còn họp, học Lời Chúa... Tôi đã động viên khuyến khích con. Nói rằng ngoài bạn bè ở trường, ngoài những giờ sống cùng ba mẹ, con cần có thời gian dành cho Chúa, sinh hoạt cùng cộng đồng Nhà Chúa. Lễ thiếu nhi ngày Chúa nhật ở giáo xứ là 3 giờ chiều, giờ ngủ trưa ngon nhất. Tôi phải an ủi, dỗ dành thật lâu, con bé mới chịu dậy, vui vẻ đi lễ. Sinh hoạt được vài tuần, tự cháu dậy chuẩn bị đi lễ và không cần mẹ nhắc nữa”. Cũng như phụ huynh của Nga, ba mẹ anh Minh Tâm ban đầu đi lễ thiếu nhi cùng con, sau đó bé tự đi và chủ động tất cả về sinh hoạt tông đồ trong giáo xứ.

Nơi hình thành kỹ năng sống và thói quen ứng xử

Bên cạnh những phụ huynh khuyến khích con tham gia hội đoàn, không ít phụ huynh không thích con mình vào hội đoàn bởi những lý lẽ: mất thời gian, phải để con cái tập trung học tập, vào hội đoàn chỉ là môi trường ganh ghét tỵ hiềm hoặc chỉ để cùng nhau vui chơi vô bổ sau giờ lễ. Có thật như thế không?

Phần lớn thành viên các hội đoàn trong giáo xứ  đền có một thời trẻ thơ năng sinh hoạt ở nhà thờ

Ông Nguyễn Quốc Huy 41 tuổi (Q3) cho biết: “Sau hai tuần vào hội thiếu nhi, con gái tôi có về than phiền vài điều. Tuy nhiên, tôi bảo cháu hội đoàn nhà thờ cũng như những môi trường khác, đều có những chuyện trái khoáy. Quan trọng hơn con hãy bỏ qua những ganh ghét, tỵ hiềm mà sống chan hòa với mọi người. Đừng nói xấu nhau, đừng “méc” nhau hay “hậm hực” vì mình không được quan tâm. Cứ vui vẻ cùng mọi người, cư xử lịch sự với nhau và làm đúng vai trò thành viên trong hội, rồi sẽ thấy niềm vui vì có thêm những mối quan hệ mới, những người bạn mới”.

Khi sinh hoạt quen với hội thiếu nhi, con trai bà Trần Đức Hạnh, 50 tuổi (giáo xứ Chợ Quán) tự tin tham gia ca đoàn không chỉ giáo xứ của mình mà còn sinh hoạt với giáo xứ khác tại quận 3. Bà Hạnh kể cũng nghe con trai “méc” những cư xử không hay. Bà khuyên con một hội nhỏ chính là xã hội thu nhỏ, đầy hết mọi cảm xúc như hỉ nộ ái ố... Cái quan trọng là mình hãy tham gia hết mình vào hội đoàn, bỏ đi những bực dọc để sống trọn vẹn tinh thần Kitô trong tập thể nhà Chúa. Nhờ lời khuyên đó, con trai của bà Hạnh luôn vui vẻ, không hề ganh ghét với những bạn được ưu ái.

Ngoài giữ Đạo, cần phải Sống Đạo

Sinh hoạt tại nhà thờ chính là cơ hội giữ đạo tốt nhất vì những ngày lễ trọng, những ngày Chúa nhật, các thành viên trong hội đều được biết để chuẩn bị đi lễ dành cho hội đoàn đúng giờ. Các ngày lễ lớn như Giáng sinh, Phục sinh đều được các anh chị nhắc nhở và chia lịch hẳn hoi như tham gia hát lễ, diễn văn nghệ hoặc sinh hoạt chung trong hội.

Tuy nhiên, theo ông bà Phùng Hữu, 40 tuổi (Q1): “Tham gia hội đoàn không chỉ có nghĩa đi lễ đúng giờ, giữ đạo sốt sắng... mà cần phải sống đạo. Muốn sống đạo tốt, cần áp dụng những gì mình học từ Kinh Thánh, từ sinh hoạt hội đoàn... vào cuộc sống. Ví dụ, nhờ tự hào mình có trong hội đoàn thiếu nhi, các em sẽ sống hiền lành hơn, biết quan tâm đến những người chung quanh như cha mẹ, anh chị em, bà con trong xóm, không nói xấu nhau, ganh ghét nhau. Các em nên được dạy sẵn sàng giúp người khác khi có thể”.

 

 

Tác giả bài viết: NGUYỄN NGỌC HÀ (CGVDT)

Nguồn tin: gplongxuyen.org

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây