Thông thường, khi nói về ơn gọi, đa số chúng ta nghĩ ngay đến ơn gọi tu trì làm linh mục, tu sĩ hơn là ơn gọi đời sống hôn nhân gia đình. Vì thế, khi nói về việc phân định ơn gọi, đa phần người ta cũng nghĩ đơn giản rằng, chỉ có ơn gọi tu trì mới phải phân định. Còn hôn nhân là một con đường bình thường và tự nhiên của những người không có ơn gọi sống đời tu trì như các linh mục tu sĩ thì ta cứ thế mà đi tới, chẳng phải quan tâm phân định làm gì.
Tuy nhiên, trong thực tế, khi đến tuổi trưởng thành, nhiều bạn trẻ vẫn cảm thấy phân vân khi không thấy rõ mình phải chọn lựa hướng đi cho cuộc đời thế nào? Nếu không cảm thấy thôi thúc hay bị cuốn hút vào đời sống tu trì liệu đó có phải là dấu hiệu đủ để tôi chọn lựa đời sống hôn nhân không? Có những bạn trẻ đã chuẩn bị mọi sự cho đời sống hôn nhân, đã làm lễ hỏi, đã in thiệp cưới thì thật bất ngờ, khi đi tĩnh tâm chuẩn bị cho ngày hôn lễ sắp đến, anh lại khám phá ra tiếng Chúa gọi vào đời sống linh mục, bỏ lại người bạn gái ngơ ngác chẳng hiểu chuyện gì đã xảy ra cho người chồng tương lai của mình để anh đi đến một quyết định ngược chiều đột ngột như vậy. Lại có bạn trẻ khác chẳng thấy hướng chiều về đời sống tu trì, cũng chẳng cảm thấy xác tín về ơn gọi đời sống hôn nhân dù đã từng có người yêu; như vậy, liệu Chúa có gọi tôi vào một bậc sống nào khác chăng? Ví dụ, có thể là sống độc thân giữa đời để dấn thân phục vụ Giáo Hội như một giáo dân không lập gia đình mà cũng không phải là bậc độc thân thánh hiến giữa đời như đời sống của các thành viên tu hội?
Vì thế, cho dù là bậc sống nào đi nữa, việc phân định ơn gọi cũng là một điều hết sức cần thiết. Từ đó, tôi xác tín rằng chính Chúa đã gọi tôi vào lối sống này và tôi muốn đáp trả cách trọn vẹn tiếng gọi ấy từ trời cao đã dành cho tôi trong hành trình trần thế. Bài viết này như là một chia sẻ về việc phân định ơn gọi đời sống hôn nhân trong tương quan với ơn gọi đời sống độc thân vì Nước Trời.
Ý nghĩa của “ơn gọi”
Trước hết, đâu là ý nghĩa của từ ngữ “ơn gọi” (vocation). Hạn từ “vocation” đến từ nguyên ngữ la-tinh “vocare” là một động từ có nghĩa là “gọi”. Một “ơn gọi” có nghĩa là một “tiếng gọi”. Tiếng gọi ấy từ Chúa gởi đến mỗi người để tỏ lộ thánh ý Người muốn mời gọi họ vào một bậc sống nào đó. Công Đồng Vaticanô II khẳng định rằng mỗi Kitô hữu đều được gọi để nên thánh. Thế nhưng tiếng gọi nên thánh ấy lại được cụ thể hóa nơi một “ơn gọi”, nghĩa là một “bậc sống”. Có thể là bậc sống hôn nhân, có thể là bậc sống độc thân vì Nước Trời. Trong bậc sống độc thân vì Nước Trời lại còn có nhiều hình thức: ơn gọi độc thân linh mục, độc thân thánh hiến như các tu sĩ nam nữ và độc thân trong bậc giáo dân như một chọn lựa để sống tự do dấn thân phục vụ giữa đời. Cả hai bậc sống này đều phát xuất từ Chúa và quy hướng về Người.
Hôn nhân là một ơn gọi tự nhiên
Hôn nhân là một ơn gọi. Là tiếng Chúa gọi một người đi theo Chúa qua “bậc sống” gia đình. Giáo Hội khẳng định: “Vì Thiên Chúa đã tạo dựng người nam và người nữ, nên ơn gọi hôn nhân được ghi khắc ngay trong bản tính của họ.” (Sách GLHTCG, số 1603). Như vậy, Giáo Hội xác nhận ơn gọi hôn nhân đã được Chúa khắc ghi cách thâm sâu trong bản tính của người nam và người nữ khi họ được tạo dựng. Như thế, là nam hay nữ, con người đã mang một khuynh hướng sâu xa với ước muốn rất tự nhiên mình sẽ trở thành một người cha hay người mẹ trong cuộc sống gia đình. Theo cha Bryce Sybley, một chuyên viên về đời sống Hôn nhân và Gia đình thuộc Giáo Phận LaFayette, tiểu bang Louisiana, Hoa Kỳ, ơn gọi hôn nhân mang tính tự nhiên vì đã được Thiên Chúa khắc ghi cách sâu xa nơi bản tính con người, là nam hay nữ.
Ngài cho rằng một linh mục hay nữ tu, ngay cả Đức Giáo Hoàng, nơi bản tính con người của mình, đều được gọi đến đời sống hôn nhân. Xét về khía cạnh thần học, điều này càng được hiểu rõ ràng hơn ngang qua nền thần học về thân xác mà Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II gọi là “một thân xác quy hướng về ý nghĩa hôn nhân” (a spousal meaning of body). Điều này có nghĩa là nơi con người, một hợp thể xác-hồn (an ensouled body), như một quà tặng được ban cho chính mình theo ý nghĩa hướng đến hôn nhân. Như vậy, hôn nhân như một ơn gọi “mặc định” cho tất cả mọi người không trừ ai. Vì thế, ở mức độ nền tảng nhất, hôn nhân như một “ơn gọi tự nhiên” được ghi khắc ngay ở cơ cấu thâm sâu nhất của từng ADN nơi con người chúng ta.
Hiểu như thế thì ơn gọi hôn nhân gia đình không nhất thiết phải phân định, vì bạn là một người nam hay người nữ nên bạn đương nhiên được gọi đến ơn gọi hôn nhân này. Có bạn trẻ cho rằng mình cần phải có người yêu để phân định xem mình có ơn gọi sống đời hôn nhân gia đình không. Điều này không hẳn là đúng. Có lẽ chính xác hơn, bạn ấy nên nói, tôi cần có người yêu để tìm hiểu xem người ấy có hợp với tôi không, để tôi quyết định tiến đến hôn nhân với họ không chứ không phải để thử xem tôi có được gọi đến đời sống hôn nhân gia đình không. Ta có thể khẳng định như vậy dựa trên sự kiện trước hết bạn là một con người, nghĩa là bạn là nam hay nữ. Mà đã là người nam hay người nữ thì tự bản tính con người, bạn đã hướng đến ơn gọi hôn nhân một cách tự nhiên.
Các Kitô hữu đều tin rằng Chúa Kitô nhìn nhận ơn gọi hôn nhân mang tính tự nhiên và Người đã nâng ơn gọi này lên hàng bí tích. Công Đồng Vaticanô II xác định rằng tình yêu hôn nhân đích thực phản ánh tình yêu Thiên Chúa và được tình yêu này biến đổi. Trên bình diện thiêng liêng, tình yêu hôn nhân giữa vợ chồng là hình ảnh sống động của tình yêu giữa Đức Kitô và Hội Thánh Người (x. Ep 5, 22-32). Điều này cho thấy một Kitô hữu đã được thánh hiến qua phép Rửa thì đời sống hôn nhân của họ sau này cũng sẽ được nâng lên hàng bí tích. Như vậy, đối với hôn nhân công giáo, hôn nhân tự nhiên đi liền với hôn nhân bí tích. Hôn nhân bí tích đặt nền tảng trên hôn nhân tự nhiên như một ơn gọi.
Vì hôn nhân như một ơn gọi tự nhiên đã được ghi khắc nơi bản tính con người nên điều này giúp ta phân biệt với đời sống độc thân thánh hiến như một ơn gọi. Khác với hôn nhân như một ơn gọi từ bên trong bản tính con người, ơn gọi độc thân thánh hiến là một ơn gọi đến từ bên ngoài bản tính này. Ơn gọi độc thân thánh hiến đến từ ân sủng của Thiên Chúa mời gọi một người từ bỏ ơn gọi hôn nhân tự nhiên để chọn ơn gọi độc thân thánh hiến vì Nước Trời (x. Mt 19, 12c).
Có bạn trẻ đặt câu hỏi rằng, nếu mình không cảm thấy bị lôi cuốn về đời sống hôn nhân gia đình để trở nên một người chồng, người cha thì liệu đó có phải là dấu chỉ mình có ơn gọi làm linh mục không? Cha Bryce Sybley đã trả lời hoàn toàn ngược lại. Ngài cho rằng một bạn trẻ thông thường vẫn cảm thấy được lôi cuốn về cả hai phía như nhau. Để chọn theo ơn gọi độc thân thánh hiến, bạn ấy phải chọn từ khước ơn gọi hôn nhân. Trong thực tế, nếu một bạn trẻ cảm thấy mình không bị lôi cuốn về ơn gọi hôn nhân thì bạn ấy cần phải suy nghĩ cẩn trọng hơn về ơn gọi độc thân linh mục. Nếu một bạn trẻ trong thẳm sâu tâm hồn không hề cảm thấy ước muốn trở nên một người cha trong gia đình thì hầu chắc bạn trẻ ấy không thể có ơn gọi sống bậc độc thân linh mục. Ước muốn thâm sâu trở nên một người cha người mẹ trong gia đình là dấu hiệu của một người lành mạnh và tự nhiên, vẫn không hề loại trừ khả năng họ có thể được gọi đến bậc sống độc thân thánh hiến vì Nước Trời. Điều này không có nghĩa ta loại bỏ hẳn hay xem thường các cảm giác này nhưng tiến trình phân định một ơn gọi vẫn cần đến những gì mang một sắc thái đặc biệt hơn.
Phân định ơn gọi
Như vậy, khi phân định về ơn gọi, một bạn trẻ không thể dựa trên cảm giác đơn thuần là không thấy mình bị cuốn hút về phía ơn gọi hôn nhân để đi đến quyết định là mình được gọi về phía ơn gọi linh mục. Cũng thế, khi cảm thấy mình bị cuốn hút vào ước muốn lập gia đình và mong có con cái cũng không hoàn toàn loại trừ khả năng mình không có ơn gọi sống bậc độc thân thánh hiến. Một quyết định hệ trọng để xác định hướng đi của cuộc đời không thể dựa trên cường độ dao động của các cảm xúc hay ước muốn được. Một bạn trẻ ở lứa tuổi “teen” khoảng 18-19 thì cường độ dao dộng của các cảm xúc tình dục có thể rất mạnh mẽ dễ hướng bạn trẻ ấy nghĩ đến ơn gọi hôn nhân gia đình. Tuy nhiên, khi bước đến độ tuổi 24 – 28, có thể bạn trẻ này lại cảm thấy mình hướng chiều hơn về ơn gọi độc thân thánh hiến hay có ước ao mãnh liệt muốn trở thành một linh mục. Hơn nữa, chính Chúa Giêsu khẳng định ơn gọi độc thân vì Nước Trời phải được đón nhận và sống nhờ ân sủng siêu nhiên (x. Mt 19, 11-12). Không có sự trợ giúp của ân sủng, người ta không thể sống độc thân thánh hiến giữa đời.
Sống độc thân không có nghĩa là chối bỏ giới tính. Một người sống độc thân vẫn hoàn toàn là một người nam hay người nữ cách trọn vẹn với những ước muốn và khuynh chiều tự nhiên về giới tính như những người bình thường khác. Sống độc thân là một quyết định từ bỏ đời sống hôn nhân được lập đi lập lại liên tục trong cuộc đời vì ước muốn sống đời hôn nhân không bao giờ chết hẳn vì nó được ghi khắc trong thẳm sâu của bản tính con người. Không ai có thể chối bỏ bản tính con người nơi chính mình. Vì thế, khi quyết định từ khước đời sống hôn nhân, người sống đời độc thân vì Nước Trời chia sẻ một phần thập giá với Chúa Kitô trong niềm vui thanh thoát nhờ sự nâng đỡ và trợ giúp của ân sủng Người.
Một linh mục sống độc thân vì Nước Trời được xem như đã lập một “hôn ước” với Hiền Thê là Giáo Hội. Đó là cộng đoàn tín hữu mà ngài được gọi để phục vụ, để hiến dâng sự sống của chính mình. Một người nữ sống đời khiết tịnh thánh hiến là đã kết hôn với Chúa Kitô để thuộc về một mình Người. Nghi thức thánh hiến trinh nữ hoặc tuyên khấn của các nữ tu bao trùm màu sắc của một lễ cưới. Đây là chính là ý nghĩa hôn nhân tròn đầy nhất về thân xác: một quà tặng trọn vẹn là chính mình được hiến dâng cho Chúa Kitô và Hội Thánh của Người. Qua quà tặng này, người sống độc thân thánh hiến sinh nhiều hoa trái thiêng liêng. Vị linh mục trở nên người cha thiêng liêng cho đoàn con cái mà ngài được sai đến để phục vụ. Chị nữ tu trở thành người mẹ thiêng liêng cho đoàn con mình có nhiệm vụ chăm sóc. Đó là ý nghĩa thật sự tròn đầy cho một ơn gọi sống độc thân thánh hiến vì Nước Trời.
Chúng ta biết rằng mọi người tự bản tính đều hướng đến đời sống hôn nhân. Đây là một “mặc định” căn bản nên trước hết, chúng ta không phân định ơn gọi hôn nhân. Vì thế, các bạn trẻ cần phân định xem mình có khả năng được gọi vào ơn gọi tu trì không dù vẫn không thể bỏ qua sự quan tâm về khuynh hướng tự nhiên nghiêng về đời sống hôn nhân của mình. Nếu sau khi phân định về ơn gọi độc thân thánh hiến hay độc thân giữa đời để dấn thân phục vụ mà bạn đi đến một xác tín luân lý rằng mình không được gọi vào bậc sống đó thì khi ấy, bạn có thể yên tâm loại trừ khả năng này để theo đuổi ơn gọi hôn nhân gia đình. Đó chính là ơn gọi tự nhiên mà Chúa đã khắc ghi trong bản tính con người khi Người tạo dựng chúng ta là người nam hay người nữ.
Phân định ơn gọi hôn nhân gia đình
Khi tạo dựng nên chúng ta là nam hay nữ, Chúa đã có một chương trình, một kế hoạch phù hợp cho mỗi người chúng ta nơi trần gian. Người ban cho chúng ta lý trí để suy xét và ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần để hướng dẫn, giúp chúng ta từ từ khám phá ra ý định của Người về hướng đi của đời mình. Việc phân định ơn gọi đòi chúng ta phải dành thì giờ để cầu nguyện, để lắng nghe tiếng Chúa, để nhận ra các thôi thúc của Chúa Thánh Thần. Đồng thời, chúng ta cũng cần bàn hỏi thêm với những vị đồng hành thiêng liêng có kinh nghiệm để được sự trợ giúp và hướng dẫn trong việc phân định tìm thánh ý Chúa trong hoàn cảnh cụ thể của mình.
Việc phân định ơn gọi hôn nhân có thể diễn tiến qua nhiều chặng khác nhau.
Một vài dấu hiệu của ơn gọi hôn nhân
Theo Cha Stefen Wang, một vài dấu hiệu có thể cho thấy bạn đang hướng về ơn gọi hôn nhân:
Trên đây chỉ là một chia sẻ tổng quát về việc phân định chung về ơn gọi bậc sống hôn nhân và gia đình. Trong từng trường hợp cụ thể, có thể cần thêm một số yếu tố khác trong tiến trình phân định mà bạn có thể tìm thấy sự trợ giúp nơi các vị đồng hành thiêng liêng hoặc các vị mục tử.
Lm Tôma Vũ Quang Trung, S.J.
05/10/2017
Tài liệu tham khảo
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn