Alleluia, alleluia! - Ta là sự sáng thế gian, ai theo ta sẽ đuơc ánh sáng ban sự sống. - Alleluias

BẢY ĐỨC TÍNH BẠN NÊN KHUYẾN KHÍCH CON CÁI THỰC HÀNH

Thứ hai - 06/11/2017 01:43
 

Giáo dục con cái là công việc hàng ngày mà chúng ta mong trao truyền cho con cái điều tốt nhất. Đây là bảy đức tính quan trọng khuyến khích các con trau dồi để sau này lớn lên, chúng là người lớn có trách nhiệm và có lòng từ tâm.

Đức Gioan-Phaolô II đã từng nói: “Giáo dục không còn là một nghề mà là một sứ mệnh, giáo dục là giúp mỗi người nhận biết những gì mình có là không thể thay thế và duy nhất, để từ đó có thể lớn lên và triển nở.” Một công việc lâu dài và đòi hỏi để khi lớn lên, trẻ con thành một người lớn có những đức tính và các giá trị khác nhau. Xã hội, gia đình, bạn bè tất cả đều góp phần vào công việc giáo dục, mang lại lời khuyên ít nhiều theo các giá trị cá nhân của họ. Tuy nhiên có những giá trị mang tính cách chung, cần phải có và phải biết cách để trao truyền.

Sau đây là bảy đức tính cần biết để giúp trẻ con phát triển đầy đủ.

1. Óc hiếu kỳ và khao khát học hỏi

Người ta thường nói “hiếu kỳ là tật xấu” nhưng hiếu kỳ chính là một đức tính không chối cãi được. Khơi dậy tinh thần hiếu kỳ nơi trẻ con là giúp chúng tỉnh thức, phát triển hiểu biết, phát triển những chuyện chúng thích để mở mang trí tuệ. Để có được sự phát triển này, sách là một trong các phương tiện quý báu: luôn để sách vào tầm tay của chúng, có một ngày bạn sẽ thấy chúng… lật sách! Hàng ngày, bạn bày các trò chơi hỏi-đáp, chắc chắn bạn sẽ ngạc nhiên khi nghe các câu hỏi, các câu trả lời của chúng!

2. Ý nghĩa của trách nhiệm

Điều quan trọng là làm sao để trẻ con hiểu, mỗi hành động của chúng kèm theo phần trách nhiệm liên hệ. Biết sai lầm cũng như biết thành công của mình, giúp trẻ con rút tỉa được bài học. Tuy nhiên khái niệm này hơi trừu tượng cho trẻ em còn quá nhỏ, nhưng dù nhỏ các em cũng hiểu ý nghĩa của trách nhiệm, chỉ cần cho ví dụ để bắt đầu. Khi trẻ con lớn lên một chút, đã biết giúp đỡ, bạn giao cho chúng các việc nhỏ, lên lịch sinh hoạt trong nhà. Sau đó, bạn để trẻ con tự làm, tin tưởng ở chúng để khuyến khích chúng lấy trách nhiệm.

3. Thẳng thắn và liêm chính

“Người công chính ăn ở đức độ, hạnh phúc cho đàn con nối dõi tông đường” (Châm ngôn 20, 7)Còn nói gì thêm để chứng tỏ tầm quan trọng của đức tính ngay thật và trung thật với chính mình? Thẳng thắn và liêm chính là những đức tính được thấy qua gương của cha mẹ. Trẻ con phải cảm thấy mình được tin tưởng và biết cha mẹ không giấu chúng gì. Tính ngay thật khuyến khích ngay thật, cha mẹ không nói dối với con cái, luôn ở trong sự thật dù bối cảnh có như thế nào, dù phải đơn giản hóa các chuyện chờ trẻ con lớn lên đến tuổi sẽ hiểu. Đi đôi với tinh thần trách nhiệm, sự ngay thẳng trong hành động của đứa bé chắc chắn sẽ là ưu thế để chúng trở thành người ngay thẳng và được tôn trọng.

4. Kiên nhẫn

Đây là đức tính khó có được và khó duy trì, nhưng kiên nhẫn lại là đức tính quý báu trong cuộc sống hàng ngày. Ngay khi có thể được, bạn hãy tập cho con cái biết kiên nhẫn, cho chúng thời hạn và theo dõi để chúng biết mình xem trọng đức tính kiên nhẫn. Như thế, con cái sẽ biết chúng sẽ được điều chúng muốn, dù phải chờ một chút, sau này kiên nhẫn sẽ thành nếp. Thêm nữa, nếu bạn thành công duy trì được đức tính này, bạn sẽ giúp con mình phát triển được tính tự lập. Đúng vậy, trẻ tự lập sẽ biết chờ, vì nó sẽ biết tự lo cho mình để không thấy thì giờ trôi qua là quá dài. Chúng ta biết, để làm cho thời gian qua nhanh, phải biết… làm gì với thời gian!

5. Tôn trọng

Tôn trọng là một trong các đức tính căn bản trong việc giáo dục trẻ con. Nó bao gồm rất nhiều chuyện: môi trường, đời sống chung quanh, đời sống dưới mọi hình thức… Một người biết tôn trọng sẽ là người được tôn trọng. Đó là đức tính mang tính hai chiều. Khi tôn trọng con cái là bạn dạy cho con biết tôn trọng: không xem thường các lời nói, tình cảm, vấn đề của con cái. Khi bạn thấy mình làm sai với con, bạn xin lỗi, bạn biết lỗi của mình, đó là bạn cho con thấy bạn tôn trọng con. Khuyến khích con diễn tả tình cảm, khen con, qua các việc này, bạn cho con thấy mình hiểu tình cảm của con và tôn trọng các tình cảm này.

6. Tinh thần tương trợ và trắc ẩn

“Phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Chúa Kitô” (Ep 4, 32).

Từ muôn thuở, đây là một trong các đức tính nền tảng của con người. Vị tha, quảng đại, đoàn kết, trắc ẩn… nhiều từ ngữ diễn tả các khía cạnh khác nhau của thái độ biết chú tâm đến người khác. Điều quan trọng là phải nhân hậu và thương yêu người khác. Để có thể giải thích điều này cho con cái, bạn bắt đầu làm cho chúng có tâm tình tạ ơn với những gì Chúa đã ban cho và đáp trả bằng cách cho lại những gì mình có. Bạn nhấn mạnh mỗi khi con cái có hành vi tốt lành, vị tha, khen và khuyến khích khi chúng chia sẻ và khi người khác cũng làm như vậy cho chúng, bạn nhắc để chúng biết. Điều quan trọng là chúng tìm được chữ để nói lên tình cảm của mình, khi cho cũng như khi nhận. Như thế chúng sẽ thấy được các việc tốt lành của lòng trắc ẩn và có thể phát triển khả năng thông cảm.

7. Kiên trì

Khuyến khích đức tính kiên trì nơi trẻ con sẽ giúp chúng đạt được mục đích chúng ấn định, không nản chí khi gặp khó khăn hoặc thất bại. Dạy cho trẻ con biết ấn định các mục đích thực tế, khen sự cố gắng của chúng hơn là kết quả. Tin tưởng ở chúng, không quá bảo vệ chúng, luôn bên cạnh chúng. Bạn tỏ ra quan tâm đến những gì chúng làm và tự hào về các việc này, bất hoặc kết quả như thế nào. Giải thích cho trẻ con hiểu sai lầm là chuyện thường, cho chúng thấy bài học nào cần rút tỉa và nhất là không so sánh với người khác.

 

Marta An Nguyễn dịch (phanxico.vn)

Nguồn tin: gplongxuyen.org

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây