Vào tháng 11 năm 2014, đã có rất nhiều người ngạc nhiên, khi thấy một người đàn ông ngồi tại ga tàu điện ngầm ở Bắc Kinh (Trung Quốc), mặc trên mình chiếc áo có dòng chữ: “ Bao cát thịt người, 10 tệ một cú đấm”( 10 tệ tương đương 35.000 đồng VN). Bên cạnh là một thùng giấy có dán giấy chứng nhận của bệnh viện về bệnh tình của con trai y. Thì ra con trai anh ta mắc bệnh máu trắng hiểm nghèo. Chi phí chữa bệnh lên tới 700.000 tệ ( tương đương 2,5 tỉ đồng VN). Đây là số tiền rất lớn đối với người đàn ông tên Hạ Quân này. Anh ta không biết tìm cách naò để có tiền chữa bệnh cho con và đã hy sinh dùng thân mình làm bao cát để có thêm tiền chữa bệnh cho con. Cảnh tượng trên khiến nhiều người chứng kiến không cầm được nước mắt. Mặc dù nhiều lần anh ta bị bảo vệ đánh đập và đuổi đi nhưng anh không bỏ cuộc. Anh nói: “ Tôi đã bán hết mọi thứ tôi có rồi và còn vay mượn thêm 400.000 tệ ( hơn 1 tỉ ĐVN) nhưng vẫn chưa đủ. Chỉ còn cách này thôi. Tôi có thể chịu được việc bị đánh, bị đấm mỗi ngày, miễn có tiền cho con tôi chữa bệnh, miễn là nó có thể sống mãi với tôi.
Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta cũng thường thấy bao nhiêu sự hy sinh như thế của nhiều người để những người khác được lớn lên. Sự hy sinh của cha mẹ mong sao con cái nên người. Sự hy sinh thầm lặng của biết bao người cha người mẹ dầm sương dãi nắng trên ruộng đồng, vất vả trên công trường, nhà máy,trên mọi nẻo đường của phố chợ, bất kể ngày đêm, đánh đổi sức lao động lấy tiền nuôi con ăn học. Sự hy sinh hiến tặng một phần cơ thể, cấy ghép cho một ngưới thân yêu không may lâm trọng bệnh vô phương cứu chữa. Sự hy sinh nhẫn nại của biết bao ông bà, chắt chiu từng đồng nuôi đứa cháu mồ côi hoặc bị cha mẹ chúng bỏ rơi. Sự hy sinh của những người con lớn tự nguyện nghỉ học đi làm lo cho cha mẹ không may bị tai nạn hoặc bệnh tật và lo cho các em ăn học nên người. Sự hy sinh của những người bạn để giúp đỡ người bạn của họ. Sự hy sinh âm thầm của một người nào đó ẩn danh để chúng ta được lớn lên. Hay sự hy sinh thân mình của biết bao anh hùng, liệt sĩ; của biết bao chàng trai, cô gái quyết bảo vệ giang sơn đất nước, bảo vệ chủ quyền dân tộc và sự tồn vong của giống nòi. Sự hy sinh của biết bao người không sợ tù đày, khổ sở để bảo vệ công lý, hòa bình, lẽ phải, đương đầu chống áp bức bất công, hy sinh cả tuổi thanh xuân vì lý tưởng tự do, công bằng, bác ái cao đẹp. Hy sinh là một hành động đánh đổi một thứ quan trọng đối với bản thân cho một điều khác ta cho là đáng quí hơn. Không chỉ trong câu chuyện kể trên, người ta mới thấy được sự hy sinh, mà nó vẫn diễn ra ở bất cứ ngóc nghách nào của cuộc sống. Như thế sự hy sinh không phải là một sự phí phạm không mục đích, nhưng là một hành vi được chọn lựa có ý thức để hướng đến một mục đích cao hơn. Do vậy,Sự hy sinh luôn có ý nghĩa tích cực trong đời sống xã hội.
Hơn thế nữa, sự hy sinh còn có giá trị thiêng liêng sâu xa khi ta dùng nó như một phương thức để nên giống Chúa Giêsu KiTô hơn. Thánh Tông đồ Phao Lô ví sự hy sinh trong đời sống thiêng liêng như sự hy sinh tiết độ của một tay đua để đạt đến đích. “ Phàm là tay đua thì phải kiêng cữ đủ điều, song họ làm như vậy là để đạt phần thưởng chóng hư mất; trái lại, chúng ta hy sinh nhắm phần thưởng không bao giờ hư nát” ( 1 Cr 9,25). Đối với Thiên Chúa, sự hy sinh có nghĩa là dâng lên Thiên Chúa bất cứ điều gì Ngài đòi hỏi về thời giờ, của cải vật chất và năng lực của chúng ta để phục vụ công việc của Ngài. Chúa đã đòi buộc: “ Trước hết hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ khác, Người sẽ thêm cho” ( Mt 6,33). Sự sẵn lòng hy sinh của chúng ta là một sự chứng tỏ lòng tận tụy của chúng ta đối với Thiên Chúa. Con người bị đòi buộc đặt những việc của Thiên Chúa làm ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống của chúng ta.
Một người trai trẻ giàu có tới hỏi Chúa Giêu su: “ Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Chúa Giê Su đáp: “ Ngươi đã biết các điều này: Ngươi chớ phạm tội tà dâm; chớ giết người; chớ trộm cướp; chớ làm chứng dối; hãy hiếu kính cha mẹ.” Và người giàu có ấy thưa rằng: “Tôi đã giữ các điều ấy từ thưở nhỏ”. Chúa Giê Su nghe vậy bèn phán: “ Anh chỉ còn thiếu một điều, hãy bán hết những gì anh có mà phân phát cho ngưởi nghèo và anh sẽ được một kho tàng trên trời; Rồi hãy đến theo tôi”. Nghe vậy, anh ta buồn lắm , vì anh rất giàu (Lc 18, 18-23). Người trai trẻ giàu có ấy là người tốt. Nhưng khi bị thử thách, thì người ấy đã không sẵn sàng hy sinh của cải vật chất của mình. Ngược lại, các Tông đồ của Chúa như Phêrô, Anrê, Gioan, Giacôbê… đã sẵn lòng hy sinh mọi thứ và theo Chúa. Khi Chúa Giê su phán cùng họ: “Các ngươi hãy theo ta… họ liền bỏ lưới, bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Ngài”( Mt 4, 18-21).
Chúa Giê su đòi hỏi nơi mỗi người chúng ta sự hy sinh một cách triệt để, khi Ngài phán: “ Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết ( thối) đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết ( thối) đi, nó mới trổ sinh được nhiều bông hạt khác” ( Ga 12,240). Mỗi người chúng ta luôn phải đối diện với sự hy sinh vì Tin Mừng. Một số người phải gánh chịu những khổ đau, bị nhạo báng vì phúc Âm. Một số người mới tin theo Chúa đã bị gia đình ruồng bỏ, bạn bè quay lưng. Một số người mất việc làm, một số bị mất mạng sống vì đức tin. Số đông tín hữu chấp nhận thiệt thòi, sống công bình, bác ái, chấp nhận tha thứ cho kẻ đã xúc phạm và đối xử bất công với mình. Chúa còn đòi buộc chúng ta phải hy sinh hằng ngày và chết đi cho những tính hư nết xấu.
Nhưng Chúa biết rõ những hy sinh của chúng ta; Ngài hứa: “ Ai từ bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp” (Mt 19,29). Hoặc trong Tám mối phúc, Chúa Giêu su đã hứa: Ai khóc lóc ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được an ủi vậy. Chính Chúa Giê Su đã nêu gương hy sinh cho chúng ta khi Ngài tự nguyện đi vào cuộc khổ nạn thương đau và chấp nhận hy sinh mạng sống mình một cách đau đớn và nhục nhã trên thập tự, làm giá cứu chuộc con người./.
Tom Điều
Nguồn tin: gplongxuyen.org
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn