Alleluia, alleluia! - Ta là sự sáng thế gian, ai theo ta sẽ đuơc ánh sáng ban sự sống. - Alleluias

Hạnh Các Thánh: THÁNH PHILIPHE PHAN VĂN MINH

Chủ nhật - 30/06/2019 11:26
THÁNH PHILIPHE PHAN VĂN MINH

Philipphê Phan Văn Minh, Sinh năm 1815 tại Cái Mơn, Vĩnh Long. Sinh trưởng trong một gia đình đạo đức và lễ nghĩa thuộc làng Cái Mơn, huyện Mỏ Cày, tỉnh Vĩnh Long, năm At Hợi (1815). Philiphê Phan Văn Minh con ông Đaminh Phan Văn Đức và bà Anna Tiếu, là người con út trong gia đình có 14 anh chị em. Cha mẹ cậu mất sớm mọi việc trong nhà đều do một mình người chị đảm đang “người chị thư’ hai” này đã lo cho các em cả về vật chất lẫn tinh thần. Cậu Minh được học hỏi giáo lý chu đáo để rước lễ lần đầu, rồi lãnh nhận bí tích thêm sức năm 13 tuổi. Sau đó cậu được Đức Cha Tabert Từ nhận cho đi học chủng viện Lái Thiêu. Nhưng chỉ ít lâu, do sắc lệnh cấm đạo 1833 của vua Minh Mạng chủng viện phải giải tán.

Thời gian này thầy Minh được theo Đức cha Từ qua Thái Lan, rồi đến trọ tại chủng viện Pénang, Mã Lai. Thày có vinh dự được Đức Cha gọi qua Calcutta (Ấn Độ) để hợp tác với ngài soạn bộ từ điển La Tinh – Việt Nam năm 1838. khi Đức Cha qua đời thầy lại trở về Pénang tiếp tục học thần học, các giáo sư và bạn đọc đều quý mến thầy, một sinh viên xuất sắc, học giỏi và có tinh thần đạo đức.

Hết thời gian học tại Pénang, thầy Minh trở về nước và được Đức Cha Cuênot Thể truyền chức linh mục năm 1940 tại Gia Hữu. Sau khi vua Minh Mạng băng hà, Giáo hội được hưởng một thời kỳ an bình dễ chịu hơn. Vua Thiệu Trị lên ngôi tuy không huỷ bỏ những sắc lệnh cấm đạo, nhưng không gắt gao thi hành như trước nữa. Nhờ đó cha Minh có thể đi thăm viếng, dạy kinh cho các tín hữu ở vùng Tiền Giang, Hậu Giang. Những làng như Đầu Nước, Xoài Mút, Chợ Búng, Ba Dòng, Cái Nhum, Cái Mơn, Bãi San… đều còn ghi dấu chân truyền giáo của cha. Khi vua Tự Đức lên ngôi năm 1847, việc cấm đạo vẫn lắng dịu ít lâu. Nhưng sau đó lại trở nên dữ dội hơn bao giờ hết.

Sau chiếu chỉ tháng 08.1848, và nhất là chiếu chỉ tháng 03.1851 truyền phải chém đầu thả trôi sông Tây dương đạo trưởng, tra tấn và xử tử các các giáo sĩ bản quốc cố chấp, phát lưu những người theo Gia tô tử đạo. Vua còn ghi rõ các quan phải triệt để thi hành mệnh lệnh này.

Trong tình hình hết sức khó khăn đó, cha Minh vẫn bình tĩnh chu toàn bổn phận của một mục tử : cha vẫn đi lại khuyến khích các tín hữu, mở các lớp giáo lý và trao ban các bí tích.

Khi đó ở làng Mặc Bắc, có một người tên Nhẫn, vì có lần xin tiền cha Lựu không được, nên để tâm thù oán và đi tố giác với quan. Ngày 26.02.1853, quan sai lính đến vây nhà ông trùm Lựu nhưng cha Lựu đã đi nơi khác, còn cha Minh và vài chủng sinh đang ở trọ đó. Để cứu cha Minh ông trùm Lựu đứng ra nói: “Thưa quan không có đạo trưởng Lựu ở đây. Lựu chính là tên tôi.” Họ thấy dáng dấp cụ chỉ là nông dân lam lũ, nên tiếp tục đi lục soát khắp nhà. Khi đó cha Minh sợ quan quân, vì mình mà hại gia đình ông Trùm, nên ra mặt nhận mình là linh mục. Thế là cùng với bảy vị chức dịch trong vùng, cha bị bắt trói và đeo gông và đẩy đưa xuống thuyền đưa về giam tại Vĩnh Long.

Tại đây quan tổng đốc hạch hỏi cha về các linh mục khác, những nơi đã trú ẩn, nhưng không khai thác được gì cả. Những ngày sau quan dùng mọi cách, khi thì dụ dỗ khi thì dọa nạt, khi quân lính kéo cha qua khỏi Thập Giá để bắt cha chối đạo. Nhưng cha Minh vẫn giữ lập trường của mình, trung thành với Đức Kitô và gíao hội. Thấy cha còn trẻ mới 38 tuổi, lại hiền lành học thức, các quan muốn tìm cách cứu cha, họ không bắt cha bước qua Thập Giá nữa chỉ cần cha nói miệng là “đã bỏ đạo” cũng được tha. Nhưng cha Minh một mực từ chối đề nghị này.

Không thể làm gì hơn được, các quan cho lính đưa cha về giam tại Tuyên Phong chờ ngày lãnh án. Nghe án xử từ kinh đô đã gửi về cha Minh quỳ gối tạ ơn Chúa, rồi an ủi các anh em bạn tù nên vui lòng tuân theo ý Chúa, hẹn tái ngộ trên nước trời. Cha nói : “Xin anh em vững dạ cậy trông Chúa, ngài chẳng từ bỏ ai và ngài sẽ thưởng công bội hậu cho những ai tận tâm tôn thờ ngài”. Cha cũng căn dặn một tín hữu ở ngoài : tiền bạc của cha nếu còn lại, đừng phí tổn ma chay lớn làm chi, cứ đem phân phát hết cho người nghèo.

Cuối cùng ngày mong đợi của cha đã đến. Cha vui vẻ lần chuỗi tiến ra pháp trừơng, qua bờ Sông Long Hồ đến Cái Sơn Bé, quân lính dọn bữa ăn sau cùng, nhưng cha Minh không thiết gì nữa. Cha chăm chú cầu nguyện, sau hồi chiêng trống rền vang. Lưỡi gươm lý hình đã đưa linh hồn vị anh hùng tiến thẳng về thiên Quốc. Lời nguyện cầu thánh thiện sau hết của cha Minh còn âm vang trong lòng những người hiện diện.

“Lạy Chúa xin thương xót con, lạy Đức Giêsu, xin cho con sức mạnh và can đảm chịu khổ để vinh danh ngài. Lạy Mẹ Maria xin nâng đỡ con “. Hôm đó là ngày 03.07.1853. thi thể vị tử đạo được an táng dưới nền một nhà lớn vừa được đốt phá ở Cái Mơn. Năm 1960, di cốt ngài được đưa về Vương Cung Thánh Đường Sài Gòn trong dịp lễ cung hiến.

Đức Cha Lêo XIII suy tôn cha Philiphê Phan Văn Minh lên bậc chân phước ngày 27.05.1900. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.




Nguồn từ thư viện Đa Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây