Alleluia, alleluia! - Ta là sự sáng thế gian, ai theo ta sẽ đuơc ánh sáng ban sự sống. - Alleluias

Nhìn chiếc Nhẫn, nghĩ về chữ Nhẫn, thấy sức mạnh của Kiên Nhẫn

Thứ năm - 19/01/2017 05:03
 

Đau khổ tựa cái gai trong mắt nhiều người. Có người quay quắt với nó mà không có đường thoát. Có người phủ nhận nó bằng những lớp vỏ bọc. Có người bỏ lơ và mặc kệ để bị cuốn theo chiều gió. Có người thấy mất công sức và thời giờ để nghĩ về nó. Cứ thế, cái khổ kéo dài và dai tùy mỗi người. Tạm gác lại những gì người ta nói, tôi trở về thực tế nơi bản thân mình, nơi những người thân quen xung quanh, để thấy khổ đau nằm ở đâu và xâu xé tôi cách nào?

Khổ đau có tên gọi cụ thể

Ví như, khi bị buốt răng, tôi cảm thấy đau đớn. Cái đau này thậm chí còn đau hơn nỗi đau khi nghe tin một người trong làng qua đời. Bạn thấy so sánh của tôi quá vụng về và có phần thiếu tình người, nhưng đó là những gì thực tế đang diễn ra. Bạn đã từng nghe và có thể thấy tận mắt một số học sinh sinh viên có thể tự tử hoặc bán thân, chỉ vì những lý do nào đó liên quan đến điểm số học tập hoặc vài kỳ thi. Bạn cũng từng biết người ta bỏ ra bao nhiêu tiền bạc và dùng mọi mánh khóe để lo lót có được một chức vị mà sự thực chẳng là cái quái gì!!!

Thế đấy! Nỗi khổ của bản thân thường được thổi phồng quá đáng và bản thân thường quá tập trung vào bản thân. Bản thân tìm mọi cách để giải quyết cho được cái khổ của mình mà nhiều khi bất chấp giá trị và tình người. Nói thế thì mạnh quá và hơi thô lỗ, nhưng thực tế chua chát là vậy.

Điểm yếu ấy, ai cũng có, chẳng phân biệt giàu nghèo sang hèn lớn nhỏ. Nhưng! Chẳng lẽ cứ thích vạch áo cho người xem lưng. Không hẳn thế! Cần nhìn nhận những gì thực tế đang diễn ra nơi bản thân và nơi tha nhân. Chấp nhận mà không chối quanh, thừa nhận mà không biện minh. Đây là bước cần thiết và quan trọng. Để thấy rằng, không chỉ mình khổ, mà còn có người khác khổ. Để thấy rằng, bản thân mình nhiều khi cũng là nguyên nhân gây đau khổ cho người và cho đời.

Đời không chỉ là khổ

Khi nhận thấy và thừa nhận nỗi khổ, người ta lại dễ cho rằng, tất cả chỉ toàn là khổ đau. Có người nhìn thực tế theo cách ấy. Đó là lối nhìn chính xác, nhưng chỉ chính xác theo một lối tiếp cận. Vẫn còn đó niềm vui, niềm hy vọng, tình yêu mến, sự sẻ chia, niềm tin, tình người và bao điều tốt đẹp. Có lẽ những điều này quá bé nhỏ! Nhỏ bé nhưng luôn có, luôn hiện diện và đầy sức sống.

Một ánh mắt đơn sơ và nụ cười hồn nhiên của trẻ thơ trên đường phố. Vài tia nắng ban mai khẽ lách qua làn sương sớm. Một tiếng chào thì thầm và đôn hậu của cụ già. Một làn gió mát thoảng qua trước mặt. Một cái nháy mắt của đứa bạn thân. Một điệu cười sảng khoái của người anh. Một tô canh mới nấu của người mẹ. Bàn cái bắt tay thô rám chắc nịch của cha…

Nét đẹp của đợi chờ

Có một nét đẹp mà người ta ngày càng quên lãng. Nét đẹp của đợi chờ, của kiên nhẫn, của thời gian. Ngày xưa, những lá thư phương xa, có thể mất đến mấy tháng trời mới có thể đến nơi. Người ta có đủ giờ để suy đi nghĩ lại, để vun đắp tâm tư tình cảm, để diễn tả tâm hồn. Dần dần, thời gian đợi chờ rút ngắn lại vài tuần, rồi vài ngày, vài giờ. Cho đến bây giờ, với internet, sự đợi chờ thường chỉ trong giây lát. Con người sáng tạo ra công nghệ để phục vụ con người, và ngược lại, con người ngày càng để cho những công nghệ ấy mã hóa và khóa lấy con người.

Độ nhanh nhạy và chính xác là điều đáng mừng. Nhưng đừng quên một điều rất căn bản. Chiếc xe đua càng nhanh càng mạnh thì lại cần bộ phanh bộ thắng phải càng tốt. Nếu không, hậu quả mọi người đã rõ. Nếu thế, càng trong thời đại kỹ thuật số và nhanh nhạy, người ta càng cần sự kiên nhẫn hơn bao giờ hết. Người mẫu càng đẹp thì lại càng phải kiêng khem đủ điều. Vận động viên càng xuất sắc thì lại càng cần khổ công luyện tập. Người tu hành cũng thế, chẳng phải cứ sống thoải mái theo sở thích, rồi tự nhiên thành bậc chân tu.  

Sức mạnh của kiên nhẫn

Với lòng kiên nhẫn đợi chờ, người mẹ đã sinh cho đời người con. Thời gian dường như dài vô tận với những người chỉ biết quy đổi thời gian thành tiền bạc. Nào là 9 tháng cưu mang, nào là 3 năm chăm bẵm từng li từng tí, nào là cả 5 năm 6 năm bé cứ lẽo đẽo theo mẹ. Rồi cả một quãng đường mười mấy hai chục ba chục năm nuôi con lớn khôn. Người cha cũng vun đắp cho con nhiều như thế với tình cha. Ngày nay hình ảnh đẹp của cha mẹ dần phai mờ, hình ảnh đẹp của vợ chồng dần mờ phai, hình ảnh đẹp của anh chị em trong cùng một mái nhà dần trở thành xa lạ. Người ta thích nhanh, nhưng nhanh một hồi, người ta không còn phương hướng, không biết về đâu, không thấy ý nghĩa.

Lời thề ước của đời hôn nhân dần dần giống như kiểu một hợp đồng làm ăn giữa lợi ích của các bên. Đời tu cũng được nhiều người nhìn dưới lăng kính của một nghề nghiệp nào đấy để thăng tiến bản thân, chứ không còn nét đẹp của ơn Chúa gọi, của đời tận hiến. Nghề nghiệp dần dần cũng mất đi hai chữ yêu nghề, mà chỉ còn là bước đệm để đạt được các mục tiêu tài chính hoặc danh tiếng.

Tập luyện…!

Tập kiên nhẫn, tập chịu đựng, tập sống thiện, không phải vì sợ hãi cũng không phải kiểu cơ hội. Nếu bạn chưa muốn, điều ấy cũng dễ hiểu, vì tôi cũng chưa muốn. Nhưng bạn có dám nghĩ tới một điều, đó là dám ước làm điều mình không thích và cố gắng làm, chỉ biết chắc một điều, điều ấy là tốt đẹp và cần thiết. Càng giỏi kiên nhẫn, càng thành công! Thử nghĩ mà xem, một vì Thiên Chúa mà kiên nhẫn tới mức nào khi chấp nhận lớn lên từng ngày trong phận làm người, từ tuổi ấu thơ cho tới lớn khôn. Và Thầy Giêsu kiên nhẫn với các môn đệ tới cỡ nào. Từ những người rất đỗi bình thường, vậy mà Thầy huấn luyện họ thành những môn đệ trung thành và những tông đồ tuyệt vời.

Tứ Quyết SJ

Nguồn tin: dongten.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây