Alleluia, alleluia! - Ta là sự sáng thế gian, ai theo ta sẽ đuơc ánh sáng ban sự sống. - Alleluias

SINH NHIỀU HOA TRÁI (28.04.2024 – CHÚA NHẬT TUẦN 5 PHỤC SINH, NĂM B)

Thứ bảy - 27/04/2024 09:47
SINH NHIỀU HOA TRÁI (28.04.2024 – CHÚA NHẬT TUẦN 5 PHỤC SINH, NĂM B)

Phúc Âm: Ga 15, 1-8

“Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sinh nhiều trái”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào sinh trái thì Người tỉa sạch để nó sai trái hơn. Các con đã được tỉa sạch nhờ lời Thầy đã nói với các con. Các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con. Cũng như nhành nho tự nó không thể sinh trái được, nếu không dính liền với cây nho; các con cũng vậy, nếu không ở trong Thầy.

“Thầy là cây nho, các con là nhành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái, vì không có Thầy, các con không thể làm được gì. Ai không ở trong Thầy, thì bị vứt ra ngoài như ngành nho, và sẽ khô héo, người ta sẽ thu lại, quăng vào lửa cho nó cháy đi. Nếu các con ở trong Thầy, và lời Thầy ở trong các con, thì các con muốn gì cứ xin, và sẽ được. Ðây là điều làm Cha Thầy được vinh hiển là các con sinh nhiều trái, và như thế các con trở nên môn đệ của Thầy”.

Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm 1: SINH NHIỀU HOA TRÁI

Đức Giêsu đã dùng hình ảnh người mục tử và đàn chiên
để diễn tả tương quan thân thiết giữa Ngài và người tín hữu.
Hai bên biết nhau, hiểu ngôn ngữ của nhau.
Người mục tử tốt dám chết để chiên được sống dồi dào.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, để diễn tả tương quan ấy,
Đức Giêsu lại dùng một hình ảnh quen thuộc khác,
đó là hình ảnh cây nho và cành nho gắn kết với nhau,
vì cây nho là cây được trồng nhiều ở nước Israen.

Cây Nho Giêsu được trồng, gồm nhiều cành.
Người trồng nho là Thiên Chúa, là Cha của Đức Giêsu.
Cha đã chăm sóc cẩn thận cho Cây Nho này.
Cành không sinh trái thì Cha chặt đi, đốt đi.
Cành đã sinh trái thì Cha cắt tỉa để sinh trái nhiều hơn.
Ước mơ của Thiên Chúa là Cây Nho Giêsu sinh nhiều trái.
Vinh quang của Thiên Chúa là những cành nho trĩu quả.
Nhưng cành nho không thể nào tự mình sinh trái.
Nó chỉ sống nhờ dòng nhựa nguyên từ Cây Nho.
Tách mình ra khỏi Cây Nho, cành nho nhanh chóng bị héo,
và cuối cùng làm mồi cho ngọn lửa.
“Không có Thầy, anh em chẳng làm được gì” (Ga 15,5).
Cũng như Thầy “không thể tự mình làm điều gì”
ngoại trừ điều Thầy thấy Cha làm (Ga 5,19; 8,28).
Mọi cố gắng ngoài Thiên Chúa đều trở nên vô ích.

Lối nói “ở lại trong” được dùng 9 lần trong bài Tin Mừng này
để nói về tương quan giữa Đức Giêsu và người tín hữu.
“Ở lại trong” không phải chỉ là “ở lại với” về mặt thể lý,
dù “ở lại với” đôi khi cũng không dễ dàng.
Đức Giêsu ở lại với các môn đệ (Ga 1,38-39; 4.40; 11,54…),
nhưng có những người rút lui, không đi với Ngài nữa (Ga 6,66).
Phêrô cũng không dám nhận mình ở với Thầy Giêsu (Ga 18,26-27).
Đức Giêsu mong các môn đệ hiện tại và tương lai
chẳng những “ở lại với” Ngài, mà còn “ở lại trong” Ngài.
Ngài đã chỉ cho ta một cách để ở lại trong Ngài qua bí tích:
“Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi,
Và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6,56).
Khi gần kề giờ phải về với Cha, giờ phải chia tay các môn đệ,
giờ các môn đệ sẽ phải chịu thử thách gian nan (Ga 16,20),
Đức Giêsu đã khẩn thiết mời gọi họ (Ga 15,4):
“Anh em hãy ở lại trong Thầy, như Thầy ở lại trong anh em.”
Ở lại trong là ở lại với mức độ sâu xa, bền vững.
Ở lại trong là kiên trì ở lại giữa những thách đố của đức tin.
Ở lại trong là một tiến trình lớn lên mãi trong đức mến.

Hình ảnh cành nho gắn liền và ở lại trong cây nho
đã gợi cho Đức Giêsu về tương quan giữa Ngài và môn đệ.
Dòng nhựa sống được thông chuyển từ cây sang cành.
Cây và mọi cành chỉ luân lưu một dòng nhựa duy nhất.
Từ đó cành kết trái xum xuê.
Cành của môn đệ cũng chỉ kết trái nếu họ ở lại trong Thầy,
và để lời của Thầy ở lại trong họ và cắt tỉa họ (Ga 15,3.7).

Đức Giêsu có một ước mơ lớn, đó là nên một với các môn đệ.
Chúng ta chỉ trở thành một kitô hữu trọn vẹn
khi được chia sẻ cùng một sự sống của Chúa Kitô phục sinh,
nghĩa là chia sẻ sự sống của chính Thiên Chúa.
Chúng ta chỉ trở thành môn đệ thật của Chúa Giêsu
khi nói được như thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không phải tôi,
mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).
Ước gì Chúa ngày càng ở lại trong ta, và giữ ta ở lại trong Chúa,
để dần dần Chúa chiếm trọn cuộc sống của ta.

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giê su phục sinh,
xin ban cho con sự sống của Chúa,
sự sống làm đời con mãi mãi xanh tươi.

Xin ban cho con bình an của Chúa,
bình an làm con vững tâm giữa sóng gió cuộc đời.

Xin ban cho con niềm vui của Chúa,
niềm vui làm khuôn mặt con luôn tươi tắn.

Xin ban cho con hy vọng của Chúa,
hy vọng làm con lại hăng hái lên đường.

Xin ban cho con Thánh Thần của Chúa,
Thánh Thần mỗi ngày làm mới lại đời con.

Suy Niệm 2: Ở LẠI TRONG THẦY

Thế giới hôm nay tiến bộ nhanh chóng về nhiều mặt:
nghiên cứu sự sống trên sao Hỏa, trí tuệ nhân tạo,
thành công trong phương pháp sinh sản vô tính...
Tưởng như chẳng có gì con người không làm được.
Nhưng thế giới vẫn lo âu vì chiến tranh ở khắp nơi,
môi trường sống bị hư hoại, chênh lệch giữa giàu nghèo,
nạn tham nhũng ở châu Á, sự hư hỏng của các bạn trẻ.
Cái vòng luẩn quẩn: ma túy, tình dục, tội phạm
dẫn đến các chết bi đát cho nhiều thanh thiếu niên.
Con người đủ thông minh để tạo ra sản phẩm
nhưng lại không đủ bản lãnh để làm chủ chúng,
nên chúng quay trở lại làm chủ con người.
Khoa học vừa giải quyết, vừa gây thêm rắc rối.
Con người hôm nay bơ vơ, loay hoay, không cứu nổi mình.
Thế giới bế tắc, cần đến ơn cứu độ.

Ðoạn Tin Mừng mời ta nhìn lại sự cằn cỗi
của mình, của Hội Thánh, của cả thế giới.
Ðức Giêsu phục sinh như cây nho, các Kitô hữu là cành.
Cây và cành có cùng một sự sống, cùng một dòng nhựa.
Sự sống từ cây, làm cho cành sinh trái.
Cụm từ ‘sinh hoa trái’ được nhắc đến 6 lần.
Cụm từ ‘ở lại trong Thầy’ được nhắc đến 5 lần.
Không ở lại trong Thầy thì không thể sinh hoa trái.
Cứ nhìn hoa trái thì biết mức độ gắn bó của cành.
Có cành chỉ giả vờ gắn liền với cây nên không có trái.
Có cành đã sinh trái, nhưng cần sinh trái hơn (c.2),
sinh trái nhiều (c.8), sinh trái bền vững (c.16).
Chúng ta vẫn chưa sinh trái như lòng Chúa mong
vì chúng ta không chịu để Ngài cắt tỉa.

‘Vinh quang của Thiên Chúa là chúng ta sinh nhiều hoa trái.
Thất bại của Thiên Chúa là sự cằn cỗi của con người.
Hoa trái là ước mơ của người trồng nho,
và cũng là sự triển nở của cây nho và cành nho.
Chẳng hề có sự xung đột giữa vinh quang Thiên Chúa
và vinh quang đúng nghĩa của con người.
Chỉ trong Chúa, con người mới thực sự triển nở, hạnh phúc.
Một sự độc lập khờ dại sẽ dẫn đến héo khô.
‘Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em.’
Một lời mời gọi gần như là một lời nài van.
Sự ở lại chỉ hoàn hảo khi có đủ hai chiều.
Con người mãi mãi có tự do khước từ nguồn sống.
Ở lại trong Chúa không phải là lối nói văn chương.
Ðể ở lại cần phải trả giá.
Muốn được hưởng nguồn sống của Ðấng Phục Sinh,
ta cũng phải chia sẻ thập giá của Ngài.
Chính Ðức Giêsu cũng được cắt tỉa qua khổ đau và cái chết.

Hãy đón lấy sự sống của Chúa Phục Sinh,
như dòng nhựa nguyên tươi mới.
Hãy đóng góp những hoa trái tốt lành cho nhân loại,
để nhân loại nhận ra Cây Nho thật là Ðức Kitô,
và Người Trồng Nho là chính Thiên Chúa.

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu,
sống cho Chúa thật là điều khó.
Thuộc về Chúa thật là một thách đố cho con.
Chúa đòi con cho Chúa tất cả
để chẳng có gì trong con lại không là của Chúa.

Chúa thích lấy đi những gì con cậy dựa
để con thực sự tựa nương vào một mình Chúa.
Chúa thích cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà
để cây đời con sinh thêm hoa trái.
Chúa cương quyết chinh phục con
cho đến khi con thuộc trọn về Chúa.

Xin cho con dám ra khỏi mình,
ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan
để sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa,
dù phải chịu mất mát và thua thiệt.

Ước gì con cảm nghiệm được rằng
trước khi con tập sống cho Chúa
và thuộc về Chúa
thì Chúa đã sống cho con
và thuộc về con từ lâu. Amen.

Nguồn tin: hdgmvietnam.org

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây